Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng cho bệnh nhân L. (56 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), kết quả cho thấy gan phải có ổ áp xe hóa dịch mủ kích thước lớn 12,6cm x 10cm, chỉ số nhiễm trùng tăng cao, bạch cầu phản ứng.
Các bác sĩ chuyên khoa tiến hành hội chấn khẩn, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan phải, nhanh chóng được kíp trực tiến hành chọc dẫn lưu dưới hướng dẫn của máy siêu âm, ê-kíp đã hút ra gần 1,5 lít dịch mủ đục hôi tại vị trí ổ áp xe.
Ê-kíp hút dịch mủ từ ổ áp xe của bệnh nhân.Ảnh: BVCC
Bác sĩ Sang cho hay kết quả cấy dịch mủ từ ổ áp xe cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ESBL là loại vi khuẩn E.coli kháng khá nhiều loại kháng sinh. Bệnh nhân được đổi kháng sinh theo đúng với chuẩn vi khuẩn đã được cấy.
Sau 7 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, tình trạng lâm sàng cải thiện tốt và không còn sốt, hết đau, chụp lại phim thấy ổ áp xe đã được dẫn lưu hoàn toàn và bệnh nhân được xuất viện.
Theo bác sĩ Sang, thời gian qua khoa đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị áp xe gan từ nhẹ đến nguy kịch và đa số là do vi trùng, Amip… Áp xe gan nếu phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ cải thiện tích cực nhanh chóng.
"Tuy nhiên, điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân áp xe gan nguy kịch với kích thước ổ áp xe lớn nhưng triệu chứng chỉ là sốt nhẹ, đau hạ sườn phải... dẫn đến việc phát hiện và điều trị muộn. Ổ áp xe gan có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết, tràn dịch màng tim, màng phổi, màng bụng… đe dọa đến tính mạng người bệnh" - bác sĩ Sang nói.
Áp xe ở gan do nhiễm trùng gây ra, bác sĩ Sang khuyến cáo cần phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn. Nếu gặp các dấu hiệu nghi ngờ của áp xe gan hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Bình luận (0)