UBND TP Hà Nội cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ngành y tế Thủ đô vừa phải tập trung mọi nguồn lực đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ.
Nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội
Do số lượng nhân viên y tế còn thiếu, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành. Hệ quả, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị trong ngành, năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1-2022 đến 30-4-2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
UBND TP Hà Nội đánh giá trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc xuất hiện chủng virus Covid-19 mới có khả năng lây lan, nguy hiểm thì thảm họa xảy ra rất khó lường. Nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP Hà Nội kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.
Liên quan tới vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP, báo cáo Thường trực HĐND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn (Tờ trình số 2284/TTr-SYT ngày 24-5-2022; Công văn số 2369/SYT- KHTC ngày 28-5-2022).
UBND TP Hà Nội cho rằng một chế độ đãi ngộ thỏa đáng kịp thời là rất cần thiết cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của lực lượng y tế. Đây là một giải pháp cơ bản, lâu dài, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với lực lượng y tế; kịp thời giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhằm sớm thu hút và duy trì lực lượng cán bộ có chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, từng bước củng cố nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh, được xem là vấn đề then chốt trong việc phát triển ngành y tế Thủ đô hiện nay.
Bình luận (0)