Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời: "Phong đòn gánh" là tên gọi khác của bệnh uốn ván, nếu con của bạn ngày xưa đã chích theo chương trình tiêm chủng mở rộng, thì cháu đã được chủng ngừa bệnh này rồi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị những dạng vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván cao, nhất là khi thời gian tiêm chủng trước đó đã quá 5 năm, bác sĩ thường yêu cầu chích ngừa lại. Uốn ván là một bệnh nguy hiểm, vì vậy không nên chủ quan.
Thường trẻ bị các vết thương hở lớn sẽ được yêu cầu tiêm ngừa uốn ván, bởi đó là nơi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện xâm nhập. Bị thương bởi các vật bẩn, được đặt ở nơi không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời… càng cần phải tiêm ngừa, cho dù vết thương không lớn, bởi môi trường thiếu ánh nắng là nơi loại vi khuẩn này ưa thích trú ngụ.
Cách xử lý đúng nhất khi có vết thương hở là nên đưa bé đi bác sĩ kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá và quyết định trường hợp đó có cần tiêm ngừa hay không, đồng thời xử lý vết thương đúng cách để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bình luận (0)