Mỗi lần nhắc đến cân nặng và chuyện ăn uống của con, chị N.A (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Chị A. cho biết con gái chị hơn 3 tuổi nhưng luôn "mấp mé" thiếu cân. "Mỗi lần cho con ăn bản thân tôi cảm thấy vừa mệt mỏi, vừa áp lực. Vì con không chịu ăn, phải có người đút. Không chỉ vậy, nhiều khi con mè nheo nên có những lúc tôi không kiềm chế được sự tức giận của mình mà quát mắng con" – chị A. chia sẻ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, không ép trẻ ăn quá nhiều bởi dễ làm cho trẻ sợ ăn uống dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý rất khó chữa trị
Chị A. thắc mắc nên làm sao để có thể giúp trẻ ăn ngon miệng và đúng cách? Đây cũng là vấn đề được nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ quan tâm.
Chuyên gia dinh dưỡng Đinh Ngọc Sương, Khoa Dinh dưỡng – tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết nguyên tắc giúp trẻ ăn ngon miệng và đúng cách là cho trẻ ăn thức ăn phù hợp theo lứa tuổi. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn. Với trẻ trên 6 tháng tuổi nên tập cho bé ăn dặm đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Nhóm bột – đường; nhóm đạm – thịt, tôm, cua, cá, trứng…; nhóm chất béo – dầu, mỡ và nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất từ nguồn rau xanh và trái cây tươi.
Đối với trẻ 8 tháng – 12 tháng tuổi nên tập cho trẻ ăn những thức ăn đặc hơn như cháo, bún, phở, hủ tíu hoặc cơm nát… để trẻ phát triển khả năng nhai vì đây là giai đoạn bé đang mọc răng.
Chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Bởi dễ làm cho trẻ sợ ăn uống dẫn đến tình trạng biếng ăn tâm lý rất khó chữa trị. Cha mẹ nên để con ăn theo khả năng của mình, cho trẻ chọn những thức ăn mà trẻ thích. Với những trẻ khó ăn uống phụ huynh nên "chia nhỏ bữa ăn" giúp trẻ vẫn ăn đủ lượng thức ăn cần thiết mà hệ tiêu hóa của trẻ không bị quá tải. Hạn chế thức ăn nhanh (pizza, khoai tây chiên, nước ngọt, bánh kẹo…). Nên cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh, các loại trái cây tươi, uống đủ nước.
Song song đó, nên trẻ cho tăng cường hoạt động thể lực 30 phút/ ngày như bơi, đá bóng, đạp xe... Vì trẻ vận động nhiều sẽ mau đói và có cảm giác ăn uống ngon miệng hơn. Với trẻ lớn nên khuyến khích con tham gia hoạt động "nấu nướng" trong bếp cùng với cha mẹ. Điều này, tạo điều kiện giúp trẻ vận động và giúp trẻ hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng từ các món ăn, làm trẻ hứng thú hơn với việc ăn uống.
Mặt khác, phụ huynh nên duy trì không khí bữa ăn gia đình cùng với trẻ. Điều này giúp trẻ tập dần các kỹ năng như cầm muỗng đũa, biết tự đút ăn… Ngoài ra, cho trẻ ngồi ăn đúng cách, có dựa lưng, giúp hệ tiêu hóa giãn nở tối đa làm cho thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa và hấp thu, tránh đầy hơi, chướng bụng hoặc rối loạn tiêu hóa.
Bình luận (0)