Việc điều trị bằng các thuốc không rõ nguồn gốc có thể khiến bệnh nặng hơn
Tại buổi khám bệnh, tư vấn miễn phí về bệnh thận tiết niệu và tiền liệt tuyến cuối tuần qua ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), người đàn ông ngoài 50 tuổi tiết lộ với bác sĩ nguyên nhân khiến ông gần như "bất lực" vì tin lời giới thiệu của người bán hàng về công dụng của loại thuốc nam có thể chữa tuyền liệt tuyến.
Theo bệnh nhân này, trong một lần tham gia hội chợ nông sản, du lịch, ông đã tin vào lời giới thiệu về một loại thuốc nam có thể điều trị dứt điểm tiền liệt tuyến, chữa yếu sinh lý, tăng bản lĩnh cho nam giới. Không chút đắn đo, ông mua 10 thang thuốc nam với giá tiền triệu về uống với hy vọng sẽ chữa khỏi căn bệnh gây ra các triệu chứng tiểu dắt, bí tiểu, ảnh hưởng đến "chuyện ấy" của ông bấy lâu.
Sau khi uống hết ngần ấy thuốc, tình trạng sức khoẻ chẳng những không được cải thiện mà còn có dấu hiệu đi xuống. Lúc này, ông mới tìm đến chuyên gia đầu ngành về tiết niệu để hỏi về nguyên nhân bỗng chốc lại sao mất hoàn toàn khả năng trong "chuyện ấy".
PGS-TS Đỗ Trường Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết ngoài thuốc nam được sản xuất bởi các cơ sở y tế uy tín, hiện nay có nhiều loại thuốc nam trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc. Việc chữa bệnh bằng thuốc nam không những không điều trị được bệnh tiền liệt tuyến mà còn gây ra bị suy thận, suy gan. Với bệnh nhân này bác sĩ chỉ tư vấn bệnh nhân chờ đợi thêm một thời gian nữa để hết tác dụng của thuốc nam xem có thay đổi gì không.
Bệnh tiền liệt tuyến sẽ tăng theo tuổi của nam giới
PGS Thành cho biết tỉ lệ mắc tiền liệt tuyến ở độ tuổi dưới 50 vào khoảng 30-40%, ngoài 50 tuổi là khoảng 50% và ở tuổi 70 là 70%. Vì thế, đàn ông trên 40 tuổi được khuyên là nên đi khám tiền liệt tuyến định kỳ để phát hiện bệnh lý, điều trị sớm. Có nhiều phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến. Trong đó, các biện pháp điều trị nội khoa (dùng thuốc) được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nhẹ. Ở giai đoạn nặng, có biến chứng bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật hoặc nút mạch để điều trị bệnh.
Cũng tại buổi khám thận - tiết niệu các sĩ cho biết tỉ lệ người dân mắc bệnh sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) khá phổ biến, gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, suy thận, thậm chí có thể tử vong. Trong khi đó, các bệnh lý về thận - tiết niệu ở nam giới có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nặng hơn là có thể dẫn tới vô sinh nếu không điều trị kịp thời. Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết tại buổi khám có một bệnh nhân nữ 29 tuổi ở Lạng Sơn kể chị thường đi tiểu nhiều trong ngày, tới 20- 25 lần/ngày. Bệnh nhân cho biết có đi chữa ở một số nơi và uống thuốc nam, thuốc Bắc nhưng bệnh không đỡ nên đã chịu đựng suốt 6 năm qua.
Theo bác sĩ Minh, có khá nhiều bệnh nhân chấp nhận sống chung với các dấu hiệu, tiểu nhiều, tiểu rắt, thậm chí còn cho rằng đó là bình thường và mua các thuốc được quảng cáo về tự điều trị khiến cho bệnh ngày càng nặng hơn.
Bệnh lý sỏi, tiết niệu liên quan đến việc sử dụng đồ ăn nhanh và lười uống nước
Giới chuyên môn lưu ý sỏi, tiết niệu liên quan đến thói quen ăn uống và sinh hoạt. Việc ăn nhiều đồ ăn nhanh, uống ít nước, nhịn tiểu… dễ dẫn tới sỏi tiết niệu. PGS Thành khuyến cáo khi có những triệu chứng về bệnh lý tiết niệu cần đi khám sớm, đặc biệt là khi có sỏi tiết niệu. Bởi khi sỏi to lên, điều trị sẽ khó khăn hơn, tái phát nhiều hơn và có nguy cơ làm tổn thương thận. "Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi sỏi đã ken kín trong thận, làm xơ hóa thận. Nếu lấy hết sỏi ra sẽ nát thận, buộc phải cắt bỏ thận hoặc ghép thận"- PGS Thành cảnh báo.
Bình luận (0)