Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 94.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 26 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 4 tuần qua số ca mắc SXH tăng mạnh với hơn 2.000 ca/tuần, cao hơn đỉnh dịch năm 2022.
Tại TP HCM, trong tuần thứ 40, cũng ghi nhận 422 trường hợp mắc bệnh SXH tăng 5,3% so với trung bình 4 tuần trước.
Bệnh nhân SXH điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.Thanh
Nhận định về tình hình dịch SXH hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết mặc dù số ca bệnh SXH giảm chung trên cả nước và ở miền Nam nhưng miền Bắc lại phức tạp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS Dũng thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc tăng cao. "Gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi diễn ra rất nhanh, chỉ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ 3 lần thậm chí nhiều hơn và mỗi lần đẻ tối đa 150 trứng. Đây chính là lý do muỗi sinh sôi phát triển với mật độ rất cao"- TS Dũng nói.
Dự báo về tình hình SXH trong thời gian tới ông Dũng cho rằng mùa đông ở miền Bắc không còn lạnh như thời gian trước đây nên nguy cơ bùng phát các đợt dịch sẽ rất cao. Thông thường trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến 11 số ca mắc SXH sẽ tăng cao.
"Hiện tượng El Nino đã thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây. Theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm, SXH sẽ có chu kỳ với số ca mắc tăng cao, tuy nhiên theo ghi nhận các năm 2017, 2019, 2022, số ca mắc đạt mức cao dẫn đến việc chu kỳ bị phá vỡ"- ông Dũng nói.
Nhấn mạnh SXH là bệnh do muỗi truyền, các chuyên gia dịch tễ lưu ý loại muỗi vằn truyền bệnh SXH có đặc điểm sinh sản trong các dụng cụ chứa nước, phế thải mà hầu hết mọi gia đình đều có, không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người thường nghĩ.
Muỗi SXH được nuôi trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu chu kỳ và việc sinh sản của chúng
Nơi đẻ trứng của muỗi vằn thường là chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình. Ngoài ra, chúng còn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh, đồ phế thải, hốc cây, lon, hũ, chai..
Trứng muỗi có thể bám vào thành các dụng cụ này và sống được trong 6 tháng kể cả trong điều kiện khô hạn, khi mưa xuống, trứng ngập nước sẽ nở thành lăng quăng và phát triển thành muỗi. Virus truyền bệnh có thể truyền từ muỗi mẹ sang đời sau qua trứng.
Các bác sĩ khuyến cáo trong thời điểm hiện nay, khi có sốt cao đột ngột 38-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, cần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là với trường hợp trẻ nhỏ nghi mắc SXH.
Bình luận (0)