xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngập rượu bia, người Việt hao gầy

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Năm 2015, gần 3,4 tỉ lít bia được tiêu thụ tại Việt Nam, tăng khoảng 1 tỉ lít so với năm 2010. Việc sử dụng rượu bia ở mức cao đang tàn phá sức khỏe người Việt

Sáng 8-9, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả điều tra quốc gia năm 2015 về các yếu tố, nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam với nhiều chỉ số đáng lo ngại.

Nhậu “vô địch”

Chia sẻ kết quả điều tra trên gần 3.900 người Việt từ 18-69 tuổi, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam, cho biết có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia (trong 30 ngày gần thời điểm được hỏi). Theo thống kê, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt tăng liên tục trong 5 năm qua, riêng năm 2015 là gần 3,4 tỉ lít bia. Cùng với số lượng bia khổng lồ, người Việt cũng uống hơn 342 triệu lít rượu. Độ tuổi sử dụng rượu bia nhiều nhất nằm trong nhóm 18-29.

Trước đó, một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế năm 2013 cũng cho thấy với hơn 3 tỉ lít bia được tiêu thụ trong năm đã đưa Việt Nam xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ ba châu Á và là 1 trong 25 nước uống nhiều rượu bia nhất thế giới.


Sức khỏe của người Việt đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại do những thói quen có hại

Sức khỏe của người Việt đang có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại do những thói quen có hại

Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia WHO tại Việt Nam, cho rằng điều đáng lo ngại là độ tuổi của những người sử dụng rượu bia ngày càng trẻ. Trong đó, tỉ lệ sử dụng ở mức nguy hại chiếm tới 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới. “Mức nguy hại tức là người đó nạp từ 6 đơn vị cồn trở lên trong một lần uống rượu bia (tương đương 6 cốc bia và gần 200 ml rượu mạnh). Đáng nói là người Việt quan niệm rằng có rượu bia mới tạo quan hệ bạn bè, có lợi cho việc làm ăn, xả stress, thậm chí đến 97% nam giới cho rằng uống bia… mát, không có hại” - ông Nam lo ngại.

“Bia hay rượu đều là đồ uống có cồn. Như vậy, nếu uống một lượng cồn lớn trong thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan khiến gan phải làm việc vất vả để đào thải độc tố. Các thống kê cho thấy hơn 70% trường hợp tử vong do xơ gan có sử dụng rượu bia. Bên cạnh những gánh nặng về bệnh tật thì lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Việt Nam (chiếm khoảng 60%), gần 70% các vụ bạo lực gia đình.

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống về pháp lý trong việc phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia như thiếu các quy định về quản lý sản xuất bia cũng như quảng cáo khuyến mại, tài trợ rượu bia. “Hiện chúng ta chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn lại được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường nên không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung và thời gian” - bà Hoàng Anh nêu.

Lười ăn rau

Bên cạnh những con số đáng báo động về tỉ lệ sử dụng rượu bia, kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy sức khỏe của người Việt đang có những dấu hiệu đáng lo ngại. WHO khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 5 suất rau, trái cây (khoảng 400 g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Thế nhưng, theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, kết quả điều tra cho thấy hơn 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo. Trong khi đó, người dân lại ăn quá nhiều muối, gấp đôi (9,4 gam/ngày) so với lời khuyên của WHO (5 gam/ngày). Việc ăn nhiều muối là yếu tố dẫn đến nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Thêm vào đó, có đến 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực. Các thói quen này là nguy cơ dẫn đến bệnh thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng huyết áp và cholesterol. Đây là những nguyên nhân làm cho 15,6% dân số Việt đang thừa cân béo phì. Tỉ lệ béo phì ở thành thị gần gấp đôi nông thôn. Ngoài ra, cũng theo kết quả điều tra này, có tới 23% nam giới, 14,9% nữ giới bị bệnh tăng huyết áp; 3,6% dân số có rối loạn đường huyết lúc đói và tỉ lệ tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% có tăng cholesterol máu...

Dẫn chứng về tác dụng của rau, hoa quả đối với những người mắc bệnh mãn tính không lây, TS Cao Thị Thu Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường cần giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể và nên sử dụng nhiều rau, hoa quả. Ngay trong bữa ăn, với những người bị tiểu đường, cao huyết áp thì không nên ăn cơm trước mà ăn rau “lót dạ” để giảm cảm giác “thèm” tinh bột.

Chi phí cho bệnh không lây nhiễm quá cao!

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có điều tra quy mô về bệnh không lây nhiễm (KLN) với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69, được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 10-2015 tại 63 tỉnh, thành. Những con số điều tra cho thấy nếu người dân Việt không thay đổi lối sống thì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh KLN như: ung thư, tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính đường hô hấp. Năm 2012, các bệnh KLN chiếm 73% các ca tử vong ở Việt Nam và 66% tổng chi phí y tế. Chi phí cho bệnh KLN cao gấp 40-50 lần bệnh lây nhiễm do phải dùng các kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền, dễ biến chứng và điều trị trong thời gian kéo dài.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo