Chiếc áo blouse của cô giáo cũ
Sau 4 tháng hoạt động, Bệnh viện Trung ương Huế đã bàn giao Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại quận Tân Phú, TP HCM (ICU TP HCM) của bệnh viện này để TP HCM quản lý, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bác sĩ Phan Thị Phương trong bộ áo quần bảo hộ làm việc tại ICU TP HCM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải) động viên các y - bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại quận Tân Phú, TP HCM. (Ảnh do Bệnh viện Trung ương Huế cung cấp)
Chia tay thành phố khi tiết trời sang xuân, bác sĩ Phan Thị Phương (SN 1983) hạnh phúc đoàn tụ gia đình ở Huế sau nhiều tháng xa cách. Thế mà trong ánh mắt chị vẫn vương nét buồn khi ở thành phố phương Nam, cô giáo cũ của chị đã nằm lại mãi mãi.
Một buổi tối trực nhận bệnh, bác sĩ Phương như khựng lại khi thấy hồ sơ ghi tên bệnh nhân L.Th.M.D. Đó là giáo viên cũ từng làm việc ở Trường ĐH Y Dược Huế. Hơn 10 năm trước, Phương học bác sĩ nội trú ở đây, thường cùng cô D. trực viện.
Sau khi về hưu, cô D. vào làm việc ở phòng khám huyện Hóc Môn (TP HCM) rồi không may mắc Covid-19. Bệnh tình cô rất nặng dù đã tiêm vắc-xin. Trong phòng bệnh, giữa những bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít, cô giáo D. vẫn nhận ra bác sĩ Phương và tâm trạng cô dường như phấn chấn hơn.
Buổi sáng hôm sau, cô D. được chuyển qua tầng điều trị của bệnh nhân hồi sức. Mỗi ngày, hoàn tất ca trực, bác sĩ Phương đều vào chăm sóc, trò chuyện cùng cô. Khi bệnh tình của cô trở nặng, tiên lượng xấu, các bác sĩ đã gọi điện thông báo tình hình cho người nhà. Cháu của cô D. xin gửi một chiếc váy và một áo blouse để cô mặc trước khi qua đời. Đó là chiếc áo cô mang từ khi còn làm việc tại Trường ĐH Y Dược Huế. Vào làm việc ở TP HCM, dù phòng khám đều đặn may cho cô nhiều chiếc áo khác nhưng cô chỉ mặc mỗi chiếc áo ấy.
Sau 2 tuần điều trị, bác sĩ Phương nhận thấy cô D. khó có thể chiến thắng được bệnh dịch. Một buổi tối sau giờ làm, Phương ghé thăm vì sợ rằng có thể ngày mai sẽ không gặp được cô nữa.
"Cô đã sống một cuộc đời rất đẹp, nhiệm vụ ở trần gian cô đã làm xong. Hãy thanh thản ra đi cô nhé! Cô sẽ luôn sống trong lòng con cô, các đồng nghiệp ở Huế và những người yêu quý cô" - nữ bác sĩ nghẹn ngào giã biệt.
Phương về chỗ nghỉ dành cho nhân viên y tế rồi điện cho cháu cô D. kể về những ngày cuối cùng của cô, về sự cố gắng của y - bác sĩ đã chăm sóc cô tại ICU TP HCM.
Đêm hôm đó, cô D. ra đi vĩnh viễn. Dù đã lường trước nhưng dòng tin nhắn điện thoại thông báo vẫn khiến bác sĩ Phương đau đớn. Đại dịch Covid-19 tàn khốc quá, nó khiến những người làm ngành y dù cố gắng hết sức cũng đã không thể cứu được cả đồng nghiệp.
"Nhiều người sẽ hỏi sao không kể những ca được cứu sống mà kể về trường hợp tử vong? Đối với bác sĩ, việc cứu sống bệnh nhân là chuyện bình thường nhưng nhìn họ ra đi là nỗi lòng đau đớn. Vắc-xin không thể bảo vệ bạn 100% mà hãy thực hiện thêm biện pháp 5K. Tôi cầu mong tất cả mọi người không bị mắc Covid-19, dịch bệnh sớm qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường trong năm mới" - bác sĩ Phương nhắn nhủ.
Nhiệm vụ thành lập khoa hậu Covid-19
Những ngày này, GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế kiêm Giám đốc Trung tâm ICU TP HCM, đã trở lại với công việc chuyên môn ở Huế sau nhiều tháng "ăn dầm nằm dề" trong mặt trận chống dịch phía Nam.
Cuối tháng 7-2021, ông nhận nhiệm vụ từ Bộ Y tế lập ICU tại TP HCM trên khu nhà rộng 12.000 m2 đã bỏ hoang từ lâu. Thời điểm đó, số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 ở TP HCM rất cao, bác sĩ Hiệp hiểu rằng hơn lúc nào hết, rất nhiều người dân đang mong chờ lực lượng bác sĩ tiếp sức, cần nhanh chóng lập thêm một trung tâm ICU để cứu người.
Sau 2 tuần xây dựng, ICU TP HCM đi vào hoạt động, đón từng đoàn y - bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong Da liễu Quy Hòa đến làm việc.
Tại ICU TP HCM phân 3 tầng điều trị, gồm: bệnh nhân hồi sức nguy kịch (90 giường), hồi sức nặng (162 giường) và bệnh nhân thoát hồi sức (252 giường). Từ việc tắm rửa, vệ sinh cho đến ăn uống của bệnh nhân đều do y - bác sĩ phụ trách. Ngoài ra, Bệnh viện Trung ương Huế đưa cả bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ chuyên khoa tâm lý để phục hồi sức khỏe, điều trị tâm lý cho bệnh nhân Covid-19.
Suốt thời gian dịch bệnh hoành hành, không có nhân viên y tế nào làm việc trong khu vực điều trị tại ICU TP HCM mắc Covid-19. Đây cũng là trung tâm đóng quân lâu nhất tại TP HCM, tiếp nhận số lượng bệnh nhân nặng và nguy kịch trên 1.800 người nhưng tỉ lệ tử vong rất thấp.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Huy, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết mô hình kiểm soát nhiễm khuẩn ở ICU TP HCM được thiết kế không gian từ ngoài vào trong đều có vùng đệm và phương tiện phòng hộ để nhân viên y tế làm việc an toàn. Có 16 phòng tắm và vệ sinh để nhân viên y tế tắm trước khi về. Ngoài việc làm sạch môi trường, thông khí bằng quả cầu hút trần, hệ thống cây xanh thì còn có hệ thống điều hòa "chia nhiệt chảy tầng" rất mới; giúp giảm mật độ virus ở khu vực điều trị bằng hệ thống quạt hút có trang bị màng lọc hepa kết hợp với khử khuẩn không khí bằng tia cực tím.
Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, chi phí để thiết kế hệ thống hepa thấp nhưng đã làm giảm nhiệt độ đáng kể trong khu điều trị, từ đó làm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Đối với đội ngũ y tế thì kéo dài thời gian sử dụng áo quần bảo hộ lên 7-8 giờ, qua đó giảm thiểu chi phí và nâng cao năng suất làm việc.
Với kinh nghiệm tổ chức ICU TP HCM, Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Covid-19 quy mô 300 giường bệnh, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại đặt tại cơ sở 2 của bệnh viện ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, những kỹ thuật chuyên môn và công nghệ cao trong chữa trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã được bệnh viện thực hiện thường xuyên, hiệu quả như hội chẩn từ xa, hội chẩn hồi sức cấp cứu từ xa, robot theo dõi bệnh nhân khi gặp sự cố để bám sát tình trạng sức khỏe các ca bệnh.
Bình luận (0)