xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức sống diệu kỳ từ tâm dịch Bình Dương

TS-BS Quan Thế Dân

Ngày đầu tiên tình nguyện đến Bình Dương chống dịch, tôi nghe chuyện cả nhà một chủ tiệm vàng lớn của Thuận An cùng mắc Covid-19, trong đó ông chủ tiệm 60 tuổi đã qua đời. Dịch khốc liệt, người chết nhiều, chết nhanh quá!

Một học trò cũ của tôi, nay đã là một bác sĩ thành đạt, nghe tin thầy vào liền lập tức liên hệ để xem thầy có cần gì không. Thế rồi mấy ngày sau, một người nhà của em bị mắc Covid-19 rồi diễn biến nặng, không cứu được.

Sức sống diệu kỳ từ tâm dịch Bình Dương - Ảnh 1.

Tiến sĩ - bác sĩ Quan Thế Dân từ Hà Nội, tình nguyện vào Bình Dương chống dịch. (Ảnh nhân vật cung cấp)


Sức sống diệu kỳ từ tâm dịch Bình Dương - Ảnh 2.

Gia đình bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nay hồi phục, hạnh phúc bên gia đình. (Ảnh do BS Quan Thế Dân cung cấp)

Ðợt dịch này nguyên nhân tử vong chủ yếu đến từ phổi: do suy hô hấp và đủ loại biến chứng hô hấp khác. Rất nhiều biến chứng mà bác sĩ có khi cả đời không gặp, giờ phải xử trí hằng ngày.

Một trong số đó là biến chứng lạ lùng: tràn khí dưới da. Người bệnh đang bình thường đột nhiên khó thở, da vùng cổ phồng to, sờ nắn có tiếng kêu lép bép. Tổn thương tràn khí tự nó đã nói lên mức độ tàn phá kinh khủng của căn bệnh. Các quá trình viêm tại nhu mô phổi nặng lên chuyển thành hoại tử tổ chức phổi, hình thành các lỗ dò khí từ phổi ra bên ngoài (nói theo ngôn ngữ dân gian là thủng phổi).

Khí từ phổi này thoát ra đi theo các tổ chức lỏng lẻo quanh bó mạch trong trung thất lan lên cổ, tràn xuống dưới da vùng cổ. Tràn khí ngày càng lan rộng ra vùng ngực, ở nữ giới làm hai vú căng phồng như bơm hơi; nam giới thì da ngực bụng căng, có người đến tận bìu làm căng phồng bìu lên. Những người bệnh có tràn khí dưới da thường tử vong, không cứu được.

* * *

Ở các khoa của bệnh viện dã chiến, phòng giao ban là trung tâm điều hành của khoa, là vùng xanh, là căn cứ an toàn. Suốt ngày, nơi đây tất bật ồn ã công việc. Tiếng người gọi nhau, tiếng bộ đàm từ buồng bệnh gọi ra, tiếng điện thoại trao đổi giữa các khoa và tiếng điện thoại từ ngoài gọi vào. Hễ có tiếng chuông điện thoại dài là cô điều dưỡng hành chính hét lên: "Ðiện thoại ngoài, bác sĩ nào nghe đi!".

Các bác sĩ thường ngại ngùng khi nghe những cuộc điện thoại này vì bệnh thường nặng, không có tin gì vui vẻ để báo cho người nhà. Sau khi trả lời về diễn biến xấu của bệnh, chúng tôi nhận được những lời năn nỉ: "Bác sĩ cố cứu người nhà con…", chúng tôi chỉ biết nhấn mạnh rằng đang cố hết sức cứu chữa.

Hết giờ làm thường trời đã tối. Xe đến đón, đợi các tua trực bàn giao xong hết mới lăn bánh, nhiều khi về đến nhà đã 20 giờ. Thế là cả ngày không nhìn thấy ánh nắng. Vì thế nhiều khi tôi đi bộ về khách sạn, không đợi xe đưa đón để nhìn thấy phố xá đời thường cho đỡ nhớ. Ðường phố vắng tanh, tràn ngập một không khí lo lắng, bất an. Nhiều nhà khóa cửa, dán giấy, dấu hiệu cả nhà đã đi cách ly. Nhiều người dân đứng trong nhà nhìn tôi với ánh mắt thân thiện. Trong thời điểm này, chỉ có nhân viên y tế mới được tự do đi ngoài đường. Chúng tôi lúc này đang là chỗ dựa cho đồng bào.

* * *

Tầng bệnh nơi tôi làm việc là tầng nặng, phần lớn người bệnh không qua khỏi. Thế mà anh lại qua được, thật kỳ diệu! Ðầu tiên anh đưa vợ đi sinh, rồi chính anh cũng nhập viện, chuyển bệnh rất nặng. Có lúc nhiễu loạn thông tin, anh tưởng vợ mình đã chết. Khi tôi nhận buồng bệnh thì anh đã bị tràn khí dưới da.

Chúng tôi điều trị cho anh rất tích cực nhưng không ai đoán trước được điều gì. Rất nhiều ca bệnh tương tự chỉ cầm cự được vài ngày rồi ra đi. Lúc đầu anh cũng vậy, lượng ôxy cần dùng ngày càng tăng lên, phim chụp phổi trắng xóa, tưởng sắp phải thở máy đến nơi, mà người đang tràn khí dưới da thở máy thì chỉ có chết. Vậy mà anh đã kiên cường tuân thủ mọi yêu cầu điều trị, tranh thủ mọi cơ hội để sống.

Sức sống kỳ diệu của anh đã dạy tôi bài học về bản lĩnh vượt qua thảm họa là phải thật bình tĩnh. Chỉ có bình tĩnh mới nhận biết ra cơ hội sống sót để nắm lấy đến cùng. Cơ hội sống sót của người mắc Covid-19 nặng nằm ở bệnh viện tầng 3 vô cùng ít ỏi nhưng vẫn có. Anh đã biết bình tĩnh nằm yên, không la lối hốt hoảng tránh mất ôxy, cố gắng ăn uống để lấy sức, biết nghe lời bác sĩ nằm sấp để thở cả ngày… Tất cả đã giúp cho lá phổi nát bét của anh gắng gượng rồi vượt qua được những ngày khó khăn nhất.

Ngày tôi ra Bắc, anh đã chuyển sang khoa phục hồi. Không gặp chia tay được, tôi mở bệnh án lấy số điện thoại gọi cho người thân của anh để dặn dò vài điều. Một giọng nữ trẻ nghe máy, tôi nói: "Tôi là bác sĩ ở bệnh viện dã chiến đây". Ðầu dây bên kia hốt hoảng: "Chồng cháu bị làm sao rồi bác ơi?".

Tôi chợt nhận ra mình vừa gây ra hiểu lầm, vội trấn an: "Bác là bác sĩ chữa cho chồng cháu đây. Anh ấy khỏe, sắp ra viện rồi". Rồi tôi chào chia tay đôi vợ chồng trẻ, chúc họ mạnh khỏe. Sau khi tôi về Bắc một thời gian, anh ra viện, gửi cho tôi tấm hình chụp cả gia đình nhỏ đang hạnh phúc bên nhau. Với tôi, tấm hình này là phần thưởng vô giá cho chuyến đi chống dịch của mình.

* * *

Hà Nội bất chợt mưa. Tôi chợt nhớ Bình Dương lúc tôi đang ở đó cũng thường hay mưa về chiều. Tôi lại nhớ về những chiều sau cơn mưa, tôi đi bộ từ bệnh viện về nơi ở. Không khí sau cơn mưa trong trẻo lạ lùng.

Nếu không có dịch bệnh thì những khu phố tuyệt đẹp này là nơi tôi muốn sống cả đời. Những ngôi nhà nhỏ nhắn, nép mình dưới cây ăn trái xanh mát, hàng rào trắng với rất nhiều hoa, nở vươn ra ngoài. Một nhà có một cây khế vươn ra ngoài, trái khế chín rụng vàng cả hè phố. Nhân viên y tế cả nước đã đổ về đây, làm hết sức mình, trong đó cả phần sức nhỏ bé của tôi, để mảnh đất phương Nam xinh đẹp này mau chóng lành bệnh.

Ngày cuối cùng của đợt tình nguyện, trước khi về Bắc, tôi đã đi bộ dọc con phố Ðông Nhì. Khi đến đầu con hẻm rẽ tắt vào bệnh viện, một cậu thanh niên trong hẻm nhìn tôi cười hồ hởi: "Bác ơi, hôm nay dỡ phong tỏa rồi!". Cậu vui mừng đi cùng tôi ra ngắm nhìn chiếc máy xúc đang ầm ĩ nổ máy gạt những ống bê-tông ngăn đường ra. Người dân cả xóm cùng tỏa ra xem, chia vui với tôi. Chúng tôi cùng mừng vui khi nhìn thấy những dấu hiệu hồi sinh đầu tiên của vùng đất.

Tôi mong có một ngày, tôi lại được quay về thong dong tản bộ trên những con đường hoa trái ngạt ngào của đất Lái Thiêu. Tôi sẽ tìm gặp chị, người hay đứng ở đầu ngõ đường Ðông Nhì để đón chào tôi mỗi chiều tôi đi bộ từ bệnh viện về, hôm nào không gặp là hôm sau chị nhắc. Tôi sẽ hỏi: "Chị còn nhớ tôi không, tôi là bác sĩ chống dịch năm ấy…". Tôi đoán chắc chị sẽ cười rổn rảng: "Nhớ chứ, bác sĩ trông như người Hàn Quốc à!".

Dịch bệnh và những ký ức đau thương rồi sẽ qua, cuộc sống tự thanh lọc để vượt qua những mất mát, để lại mau chóng hồi sinh như những búp lá non sau cơn mưa. 

Một mùa xuân mới đang về, một miền đất đang hồi sinh.



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo