Mới đây, tại KCN Quang Minh (Hà Nội), hàng trăm công nhân (CN) đã trải qua một phen hốt hoảng. Sau bữa ăn sáng tập thể tại công ty gồm các món bún gà, bún bò, dưa hấu…, hàng loạt CN đau bụng, vật vã phải nhập viện cấp cứu.
Gần 70% vụ ngộ độc từ bếp ăn tập thể
Đây không phải là vụ ngộ độc tập thể duy nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Cách đó chưa lâu, hơn 100 CN của một công ty trong KCN Chương Mỹ sau khi dùng bữa trưa thì bị đau bụng, ói mửa phải nhập viện cấp cứu. “Thủ phạm” chính là món canh rau ngót nhiễm khuẩn lỵ.
Tại khu vực phía Nam, mới đây xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến gần 300 CN trong KCN Long Hậu (tỉnh Long An) phải đi cấp cứu là hồi chuông báo động cho nhà chức trách và cộng đồng. Sau bữa cơm chiều với các món gà kho sả, rau cải luộc và canh bí để chuẩn bị vào ca thì đến tối và sáng hôm sau, hàng loạt CN đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Số CN ngộ độc vào viện cấp cứu nhiều đến nỗi bệnh viện (BV) tuyến huyện không lo xuể, ngành y tế TP HCM phải khẩn cấp điều động nguồn lực từ nhiều BV tuyến trên về tham gia công tác cứu người. Chỉ sau đó một ngày, hơn 100 CN tại KCN Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) lại gặp một phen nhớ đời cũng do ngộ độc thực phẩm.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, cả nước xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm, chưa kể những vụ ngộ độc xảy ra tại gia đình dẫn đến chết người, như: hai CN suýt chết do ăn cua mặt quỷ; cả nhà nhập viện do ăn bánh mì (đều ở Quảng Ngãi); hơn 50 người đi cấp cứu sau ăn giỗ (ở Phú Yên); 2 người chết do ăn nấm (ở Hòa Bình)…
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng hiện rất đáng quan ngại, đặc biệt là tình hình ngộ độc tập thể tại các KCN, bếp ăn tập thể. Ghi nhận trong số 3.600 người cả nước bị ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây thì 68% có nguyên nhân từ bếp ăn tập thể.
Do bữa ăn kém
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, bữa ăn của CN tại một số KCN phần lớn là mất cân đối. Tác nhân dẫn đến ngộ độc tập thể là do giá trị bữa ăn quá thấp. Tại một số KCN, giá trị bữa ăn của CN chỉ từ 7.000-12.000 đồng/suất. Khẩu phần ăn cả ngày của CN chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu dinh dưỡng cho nam và 70% nhu cầu cho nữ. Một câu hỏi đặt ra là bữa ăn nghèo về dinh dưỡng như thế làm sao phục hồi năng lượng cho người lao động?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. Ngộ độc cấp tính còn xử lý được, lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài. WHO cảnh báo trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 triệu lên 22 triệu). Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.
ATTP đang là nỗi ám ảnh đối với người dân, người lao động. Tuy nhiên, việc giám sát, xử lý vi phạm hiện nay mới chỉ là “phần ngọn”, chưa thể kiểm soát nổi. Các chuyên gia cho rằng để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật trong CN, nên quy định tỉ lệ giá trị dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn và chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cảnh báo có gần 30% CN tại KCN TP HCM bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này càng nguy hiểm hơn đối với CN nữ mang thai bởi chị em có thể dễ sinh non, thai nhi yếu, dị tật.
Mạnh tay với các cơ sở vi phạm
Số liệu của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP cho thấy trong gần 14 năm qua, cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 78.051 người bị ngộ độc phải nhập viện, trong đó 688 ca tử vong. Mới đây, ban này đã có công văn gửi các tỉnh, thành yêu cầu đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở không đủ điều kiện ATTP và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP năm 2015 cũng đặt ra mục tiêu giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2014.
Bình luận (0)