Bài công bố trên tạp chí Obesity cho thấy tuy giấc ngủ trưa ngắn được cho là cực tốt cho sức khỏe, giấc ngủ trưa dài lại gây những tác động tồi tệ lên hệ thống trao đổi chất, khởi nguồn cho nhiều căn bệnh.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ) đã đánh giá sức khỏe của 3.275 người trưởng thành trong quần thể Địa Trung Hải phát hiện giấc ngủ trưa dài liên quan đến việc tăng chỉ số BMI, tăng nguy cơ cao huyết áp và hội chứng chuyển hóa (liên quan đến tiểu đường, một số bệnh tim mạch).
Ngủ trưa quá 30 phút có thể gây tác dụng ngược (Ảnh minh họa từ Internet)
Giấc ngủ trưa dài được định nghĩa là ngủ trưa từ 30 phút trở lên còn BMI là chỉ số khối cơ thể (tính bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao), thể hiện việc một người bị thiếu cân, khỏe mạnh hay thừa cân - béo phì.
Béo phì được coi như một bệnh bao hàm bệnh, có thể thúc đẩy nhiều bệnh khác nhau bao gồm tim mạch, tiểu đường, là nguyên nhân gây ra hơn 10 loại ung thư, làm tăng nặng các bệnh truyền nhiễm...
Cao huyết áp là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất thế giới; trong khi hội chứng chuyển hóa thúc đẩy một loạt bệnh mạn tính khác. Cả 3 hậu quả sức khỏe trên đều làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống sâu sắc.
Người Địa Trung Hải mà nhóm nghiên cứu lựa chọn là nhóm dân số được cho là khỏe mạnh trên trung bình, bởi có chế độ ăn, sinh hoạt lành mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên dường như chỉ việc ngủ trưa dài cũng đủ làm hại một số người trong số họ.
Nguyên nhân chính của sự việc được cho là việc ngủ trưa dài làm giảm chất lượng của giấc ngủ đêm, mà mất ngủ ban đêm đã được chứng minh là làm suy giảm sức khỏe nghiêm trọng và thúc đẩy một loạt vấn đề chuyển hóa, tim mạch, ung thư, trầm cảm...
Ngoài ra, họ thường ăn muộn hơn vào ban đêm, một thói quen có hại khác.
Một nghiên cứu trước đó dựa trên một nhóm dân số Anh cũng đã chỉ ra liên hệ giữa giấc ngủ trưa dài và tình trạng béo phì - béo bụng.
"Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét độ dài giấc ngủ trưa, xem xét lại cả các giấc ngủ ngắn, lợi ích của các thời gian ngủ khác nhau và đưa ra thời lượng ngủ trưa tối ưu dựa trên văn hóa và các tác động sức khỏe" - News Medical dẫn lời Giáo sư Frank Scheer từ Khoa Rối loạn giấc ngủ và sinh học của Bệnh viện Brigham and Women's, đồng tác giả.
Bình luận (0)