Chiều 19-1, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM cho biết vừa cứu sống người đàn ông phình động mạch chậu khổng lồ suýt vỡ.
Bệnh nhân là ông P.C (82 tuổi, ngụ Long An), nhập viện cấp cứu trong tình trạng thể trạng suy kiệt, đau bụng, đau đầu, đau cột sống thắt lưng, chóng mặt… Trước đó 5 ngày, ông bắt đầu bị đau bụng, buồn nôn sau ăn, ăn uống rất kém và không đi tiêu được trên tiền sử bệnh mạn giai đoạn 3, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch ngoại biên.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu phát hiện bệnh nhân có túi phình lớn (gần 7cm) tại vị trí động mạch chậu chung bên phải, có dịch tự do trong ổ bụng nghi do vỡ túi phình.
Túi phình động mạch khổng lồ được xử trí
Các bác sĩ xử trí cấp cứu, tiến hành thủ thuật đặt stent lòng động mạch loại bỏ túi phình đang vỡ. Do bệnh nhân tuổi cao, thể trạng kém, bệnh nền tăng huyết áp và thận mạn nên từng bước đặt stent rất thận trọng. Sau khoảng 1 giờ thực hiện, một stent kích thước 93x16mm đã được đặt thành công vào vị trí động mạch chậu chung phải, loại bỏ túi phình động mạch, cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Theo BS.CK2 Dương Duy Trang, Trưởng Khoa Nội tim mạch-Tim mạch can thiệp Bệnh viện Gia An 115, vỡ phình động mạch chủ bụng rất dễ bị bỏ sót do dễ nhầm với các bệnh lý tiêu hóa, người bệnh thường lớn tuổi, nhiều bệnh lý kết hợp nên nguy cơ tử vong rất cao, lên đến hơn 90%. Có thể nói, đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
"Phình động mạch chủ bụng có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng nguy cơ cao hơn ở nam giới, người cao tuổi, người có bệnh lý tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, người thường xuyên hút thuốc lá. Thường xuyên kiểm tra các bệnh lý tim mạch là đặc biệt cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm như vỡ phình động mạch, tắc động mạch…", BS Trang khuyến cáo.
Bình luận (0)