Là một trong những chuyên gia đầu ngành về ghép tạng, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trực tiếp chứng kiến không ít câu chuyện vui buồn với nhiều trăn trở.
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước
Chờ trong vô vọng
Đến giờ, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước vẫn nhớ như in hình ảnh một cặp vợ chồng quỳ trước cửa phòng ông van nài: "Xin bác tìm tim cho tôi ghép".
"Người ta cứ quỳ ở phòng tôi nhờ giúp nhưng tôi giúp hết cách rồi. Bộ phận vận động hiến tạng cũng làm hết sức rồi. Không giống như van tim - tôi có thể mổ thay cho bệnh nhân bất cứ lúc nào, ghép tạng phải có người hiến tạng" - ông xót xa.
Không ít trường hợp chờ đợi trong vô vọng như thế. Có bệnh nhân gia đình đầy đủ điều kiện, tìm từ Bắc chí Nam nhưng không ra người hiến tạng, cuối cùng đành chấp nhận ra đi. Một trường hợp khác được đưa từ miền Nam ra, nằm chờ ở bệnh viện 2 tháng đến lúc chết mà không có người cho tạng.
Thậm chí, có trường hợp tìm được người đồng ý hiến tạng rồi song hy vọng cũng chỉ mong manh vì có khi đến giờ chót họ lại từ chối. "Mỗi lần như thế, chúng tôi tốn kém rất nhiều công sức và tiền của. Điều tôi đau đáu nhất chính là nỗi thất vọng của bệnh nhân. Có người gần như đổ gục vì bệnh đã rất nặng, sau khi chuẩn bị mọi thứ, lên bàn mổ rồi thì đùng một cái, họ không được cho tạng nữa" - ông Ước trăn trở.
Nhiều lúc lại "oái oăm" không kém: Có người cho tạng mà không có người nhận. Vì thời điểm đó, người nhận phù hợp đã không còn. Cũng có khi bệnh nhân từ bỏ vì biết mình không có điều kiện, vì không lo được cuộc sống sau ghép (đi khám thường xuyên, uống thuốc suốt đời...).
PGS Ước giải thích: "Nhiều người nghĩ đơn giản rằng ghép tạng như mổ ruột thừa, chữa cắt túi mật…, làm xong là khỏi bệnh hẳn. Thực chất, ghép tạng chỉ là khâu giải quyết chuyển từ một bệnh lý mạn tính, sống không bằng chết, có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, sang trạng thái sống tạm ổn định, lệ thuộc vào điều trị, tuân thủ nguyên tắc sống rất chặt chẽ".
Thỉnh thoảng, ông Ước vẫn nhận được cuộc gọi từ người thân của bệnh nhân. Ông kể: "Họ gọi điện chúc mừng khi có ca ghép thành công từ người cho chết não. Có khi họ tâm sự, buồn vì người thân không gặp được may mắn như thế. Tôi buồn nhưng không biết làm thế nào. Cuộc sống là như thế".
"Số phận may rủi"
PGS-TS Nguyễn Hữu Ước vẫn hay nói với bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não là "số phận may rủi", "ông trời" cho được thì được. Có người mới đăng ký vào danh sách chờ ghép lúc sáng thì chiều đã tìm được người cho, có người chờ mãi vẫn vô vọng.
Ông Ước cho biết có một bệnh nhân tên Điệp, tuổi chưa đến 30, 3 lần từ cõi chết trở về, may mắn vẫn chờ được đến lúc có người hiến tạng. Cô bị bệnh tim rất nặng, chờ suốt 3 tháng mà không có ai hiến tạng.
"Mẹ cô rất thương con, quyết tâm cứu bằng được dù gia đình không giàu có. Sau lần thứ 3 chết đi sống lại, bác sĩ cũng thấy tuyệt vọng, thế rồi 2 tuần sau lại có người cho phù hợp. May mắn đã mỉm cười, đến giờ cô ấy vẫn còn sống" - PGS Ước nhớ lại.
Trường hợp thứ 2 có lẽ là người ghép tim lớn tuổi nhất Việt Nam còn sống khỏe mạnh. Bệnh lâu ngày, đi rất nhiều nơi, người đàn ông ngoài 60 tuổi ấy đã nằm rất nhiều bệnh viện do suy tim giai đoạn cuối. Bệnh nhân kể những ngày cuối trước khi được ghép tim, ông gần như sống ở một cõi nào khác, không có sức khỏe, không còn năng lực giao tiếp với bên ngoài, suốt ngày chỉ nằm nhắm mắt. Khi nghe thông tin có thể ghép tim được, hy vọng sống trong ông lại le lói. Ông xin chuyển đến Bệnh viện Việt Đức và chỉ sau 1 tuần thì có người cho.
Đây là ca ghép xuyên Việt thứ 2, lấy tim từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) chuyển ra. Sau ghép, trong ngày đầu tiên, diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân rất xấu. Thế nhưng, hết ngày đầu tiên - giống như "số phận may rủi", sức khỏe ông đột ngột tốt lên rất nhanh và sau 5 ngày thì thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Đến nay, ông vẫn sống khỏe mạnh.
"Ông ấy vẫn hay nói với tôi rằng mỗi ngày ông được sống trên đời là "nhờ trời" ban cho. Vì thế, ông luôn cố gắng sống tốt nhất có thể" - PGS Ước xúc động.
Mỗi ngày, tại Bệnh viện Việt Đức có 3-5 người chết não song mỗi năm chỉ có 3-4 ca hiến tạng. Nguồn tạng khan hiếm, trong khi danh sách bệnh nhân chờ ghép ngày càng dài. Ông Ước hy vọng trong thời gian tới, người hiến tạng ngày càng nhiều để giúp nối dài những sự sống.
Bài toán khó
Theo PGS Nguyễn Hữu Ước, nếu như cách đây 9-10 năm, ghép tim là cả vấn đề thì nay đã trở thành hoạt động thường quy tại Bệnh viện Việt Đức. Từ sau trường hợp ghép tim đầu tiên vào năm 2011, đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được gần 30 ca, đồng thời hỗ trợ một số đơn vị khác thực hiện.
Một ca ghép gan ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Xuất phát từ đề tài của Bộ Y tế năm 2011 về ghép tim từ người cho chết não, sau 5-6 ca đầu tiên thực hiện thành công, các bác sĩ đã xây dựng quy trình ghép tim và "Việt Nam hóa" quy trình đó. Vẫn quy trình chuẩn nhưng cải tiến cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, từ trang thiết bị, thuốc men đến vận chuyển tạng... Cũng từ đó mới có những ca vận chuyển, ghép tạng xuyên Việt.
PGS Ước cho rằng khi đã làm chủ được kỹ thuật thì bài toán cần giải là kinh tế. Không ít bệnh nhân có chỉ định ghép tim nhưng không đủ khả năng kinh tế để thực hiện, cả cho ca ghép và sau ghép. Đôi khi có người cho tạng nhưng bệnh nhân đủ điều kiện nhận thì không có điều kiện kinh tế, hoặc người có kinh tế lại không phù hợp. Giải bài toán này như thế nào?
Với trường hợp bệnh nhân là trẻ em, các bác sĩ có thể vận động sự trợ giúp của xã hội. Song, với người trưởng thành thì việc này rất khó, phải tính để có kinh phí mổ.
"Ghép tạng là việc rất đặc thù, chi phí rất lớn. Đây là bài toán khó, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, bệnh viện phải tự tính toán làm sao để cứu được nhiều người, chứ không thể chỉ làm 1 ca, dồn sức cứu 1 bệnh nhân rồi kiệt quệ" - PGS Ước băn khoăn.
Thực tế, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước đã không ít lần phải "liều" để ghép tim cho bệnh nhân vì họ không có tiền.
Niềm vui khó tả
Nhớ lại ca ghép tim đầu tiên, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước hài hước: "Lúc ghép thì lẳng lặng làm, áp lực, căng thẳng kinh khủng, cái gì cũng nhớ. Song, sau đó thì lại không nhớ gì hết vì quá nhiều sự kiện xảy ra". Ông Ước miêu tả phòng phẫu thuật khi đó rối như canh hẹ, người chạy ra chạy vào, tiếng ồn, tiếng quát nhau ầm ĩ vì ca ghép đầu tiên ai cũng bỡ ngỡ, áp lực. Đến lúc thành công thì vỡ òa, sung sướng.
Rồi đến ca ghép phổi đầu tiên, công việc dù vất vả, khó khăn nhưng mang lại niềm vui khó tả. Do không đủ điều kiện nên Bệnh viện Việt Đức không cử chuyên gia sang nước ngoài học hay đầu tư trang thiết bị, máy móc để thực hiện ca ghép phổi. "Vì thế, thay vì đi học cả năm, học ở trung tâm đắt tiền thì các bác sĩ kiếm chỗ "vừa vừa", tự nghiên cứu, tự xây dựng quy trình. Sang nước ngoài thì chỉ là kiến tập, tham quan, tham khảo ý kiến chuyên gia. Trang thiết bị cái nào có thì dùng, không có thì đi mượn, đi vay. Vì thế, khi ca ghép thành công, ai cũng vui mừng" - PGS Ước kể.
Bình luận (0)