PGS-TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết ông đã mất 15 năm đào tạo bài bản để được cầm dao mổ. Trong đó gồm 6 năm học tại Đại học Y Hà Nội, 4 năm là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 2 năm đi Pháp để học về chuyên ngành phẫu thuật tim mạch. Khi về nước, ông tiếp tục học thêm 1 năm ở Viện Tim TP HCM cùng rất nhiều chuyên gia người Pháp.
Chạy đua thời gian để giành sự sống
Năm 1997, ông bắt đầu được phụ mổ tim. Năm 2004, lần đầu tiên ông được làm bác sĩ mổ chính. Đây là một ca vá lỗ thông liên thất. Với sự chuẩn bị tích lũy cả kiến thức, kỹ năng thì với ông ca mổ này không khó.
Theo PGS Hiền, phẫu thuật các bộ phận khác thì có thể ngừng lại để hội chẩn với đồng nghiệp 5-10 phút nhưng đối với tim mạch, khi dùng thuốc cho tim ngừng đập để thao tác thì cần tận dụng từng phút từng giây và thao tác đòi hỏi độ chính xác cao vì khi làm sai thì không có cơ hội sửa chữa...
PGS-TS Nguyễn Sinh Hiền khẳng định dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn chọn công việc “vá” lành những trái tim cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh
Đặc biệt, việc mổ tim ở trẻ còn khó khăn hơn gấp vạn lần. Khác với bệnh tim ở người lớn đa số là bệnh mắc phải, ở trẻ em là bệnh lý tim bẩm sinh - vốn có các tổn thương muôn hình vạn trạng, rất phức tạp. Các thăm dò trước mổ như siêu âm, chụp cắt lớp thường không đánh giá hết được các tổn thương. Một cái khó khác khi mổ tim ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh là các cơ quan phủ tạng chưa hoàn thiện về chức năng. Do đó, bác sĩ vẫn phải đánh giá, tiên lượng cuộc mổ giành bao nhiêu phần thắng, kéo dài bao lâu...
"Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sáng tạo trong lúc mổ, xử lý tình huống linh hoạt. Mổ cũng phải mổ dưới kính lúp, sợi chỉ nhỏ hơn sợi tóc. Với trẻ sơ sinh mới chào đời 4-5 ngày, các mô rất mềm, rất dễ tổn thương nên bác sĩ phẫu thuật phải cực kỳ nhẹ nhàng khi làm các thao tác" - PGS Hiền lý giải.
Thành quả ngọt ngào
Theo thống kê chung, hiện các bệnh tim bẩm sinh chiếm 54% tổng số bệnh tim ở trẻ em. Đó là các dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim, các mạch máu lớn và hệ thần kinh tim... xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai và vẫn tồn tại sau sinh.
Với PGS Hiền, mỗi ca mổ khó là thách thức nhưng cảm giác mổ xong thành công rất hạnh phúc. Câu chuyện bé trai 6 tuổi mắc hội chứng hiếm gặp Loeys-Dietz type 1 là trường hợp như thế. Ngay từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ ở tháng thứ 6, các bác sĩ tại Pháp đã phát hiện bé mắc Loeys-Dietz type 1. Đây là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến các mô liên kết.
Các mô liên kết đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sức mạnh và sự linh hoạt cho xương, dây chằng, cơ bắp và mạch máu. Vì thế, hội chứng này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận của cơ thể, trong đó có tim, mạch máu đặc biệt là động mạch chủ, mắt, hệ thống xương, khớp...
Sáu tháng tuổi, bé đã phải trải qua ca phẫu thuật lần đầu tiên trên đất Pháp nhằm vá thông liên thất. Sau đó, gia đình bệnh nhi chuyển về Việt Nam sinh sống. Dù vậy, ca mổ này chưa thể giải quyết hết được các vấn đề, nguy cơ nhập viện vẫn luôn thường trực.
Tháng 6-2022, bé nhập viện tại Bệnh viện Tim Hà Nội vì sức khỏe suy giảm. PGS Hiền vẫn nhớ như in hình ảnh bé trai 6 tuổi gầy gò, chân tay dài loằng ngoằng như tay nhện, mắt lác, xương ức nhô lên, đứng không vững, có cảm giác các khớp ở tất cả cơ thể đều lỏng lẻo. Hội chứng Loeys-Dietz khiến động mạch chủ giãn đến 8 cm, gấp 5-6 lần so với bình thường ở độ tuổi này, hở van động mạch nặng, tim giãn to.
Các bác sĩ xác định đây là ca mổ khó, phải mổ kịp thời vì nếu chậm trễ nguy cơ tử vong rất cao. Trẻ có thể bị vỡ động mạch chủ bất cứ lúc nào hoặc suy tim nặng lên. Không có thời gian, không còn đường lùi, các bác sĩ bắt buộc phải áp dụng phương pháp phẫu thuật Bentall.
Đây là phương pháp phẫu thuật khá phức tạp, bao gồm thay van và gốc động mạch chủ, động mạch chủ ngực và cắm lại các động mạch vành vào ống ghép, điều trị các bệnh lý của gốc động mạch chủ. Ở thời điểm đó phương pháp này chủ yếu áp dụng cho người lớn, với trẻ thì chưa có tiền lệ.
Để chuẩn bị cho ca mổ, cậu bé được "đóng băng" trái tim suốt 3 giờ nhờ hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Tận dụng khoảng thời gian quý báu đó, các bác sĩ đã tiến hành sửa chữa các dị tật, thay toàn bộ động mạch chủ và van động mạch chủ.
Món quà lớn nhất mà các y, bác sĩ nhận được là cậu bé ấy đã sống. Ngày xuất viện, cậu bé ấy đã viết bưu thiếp để cảm ơn các y, bác sĩ: "Con cảm ơn bác Hiền và các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã mổ và điều trị cho con". Những nét chữ vẫn còn non nớt nhưng với PGS Hiền và nhiều y, bác sĩ khác, đó là món quà tinh thần vô giá.
"Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn con đường này"
Ước tính khoảng 1% trẻ sinh ra mắc các bệnh lý tim bẩm sinh. Trong đó, chỉ khoảng 50% phải can thiệp, còn lại là các tổn thương không đáng kể, không phải xử lý gì. Có rất nhiều bệnh lý tim bẩm sinh và ở một trẻ có thể mắc một hoặc nhiều dị tật tim đi kèm. Thường gặp nhất là các bệnh lý như: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi, tứ chứng Fallot…
Với sự tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bằng can thiệp qua da, nhiều bệnh lý tim bẩm sinh có thể sửa chữa hoàn toàn như thông liên thất, còn ống động mạch… Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh lý tim bẩm sinh phải trải qua một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật.
Theo PGS Hiền, hiện nay số trường hợp bị tim bẩm sinh cần phải mổ ít hơn trước đây rất nhiều. Thời điểm những năm 2000, khi bác sĩ Việt Nam bắt đầu mổ tim thì số trường hợp cần phẫu thuật rất nhiều vì phải mổ cả những trường hợp tim bẩm sinh "già" bị dồn lại từ trước đó.
Điều đáng mừng nhất là trước đây, nhiều trường hợp phải mổ mở thì nay chỉ cần làm tim mạch can thiệp. Những thủ thuật xâm lấn tối thiểu này được thực hiện qua một hoặc nhiều ống thông (catheter) rất nhỏ đường kính 2-3 mm. Ống thông này được đưa vào trong lòng mạch máu hoặc buồng tim để thăm dò về chức năng, cấu trúc cũng như điều trị những tổn thương của những cấu trúc này. Nhờ đó, các bác sĩ không cần xẻ xương ức, không làm tổn thương xương, tránh biến dạng lồng ngực của trẻ lại đạt được tính thẩm mỹ.
Đảm nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS Hiền đã giảm bớt số ca phẫu thuật vì phải dành thời gian cho công tác quản lý. Ông luôn sắp xếp làm sao để hài hòa giữa quản lý, dạy học và mổ, mong sao truyền đạt được hết kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau.
"Mổ tim bẩm sinh khó, vất vả và nhiều thách thức, lương thấp nên ngày càng ít người chọn nghề này. Dù vậy, nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn chọn con đường này" - PGS Hiền khẳng định.
Làm công việc của cả điều dưỡng, hộ lý để học nghề
4 năm nội trú ở Bệnh viện Việt Đức đã rèn cho PGS Nguyễn Sinh Hiền nghị lực để vượt qua 2 năm nội trú ở Pháp. Công việc không vất vả nhưng ông phải vượt qua áp lực về ngôn ngữ, văn hóa. Đó có lẽ là quãng thời gian ông sẽ không bao giờ quên. Vì khi đó dù là bác sĩ nội trú ở Việt Nam hay Pháp, ông cũng không từ chối bất cứ việc gì, từ điều trị bệnh nhân cho đến những công việc của điều dưỡng, hộ lý như đẩy cáng, đặt nội khí quản, chọc ven, cho thuốc...
"Khoảng thời gian học ở Pháp đã dạy tôi rất nhiều điều, không chỉ là kiến thức, chuyên môn mà các thầy còn thay đổi nhận thức, thái độ của tôi đối với nghề. Bác sĩ cũng là công việc, nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ người dân, cứu người. Đó không phải sự ban ơn đối với bệnh nhân" - PGS Hiền nói.
Bình luận (0)