Như là thông lệ, cứ dịp nghỉ hè tháng 6, có một cuốc taxi 7 chỗ chở theo đám nhóc đến gõ cửa nhà bác sĩ Vũ Xuân Thọ (cả nhà gọi thân mật là bác Thọ) - người có 40 năm kinh nghiệm trong ngành sản, phụ khoa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đám nhóc này không thuộc trường hợp đặc biệt được "ông mụ" Vũ Xuân Thọ kiên quyết giữ thai, giúp các bà mẹ vượt cạn thành công.
1,65 kg và 70 kg!
Bệnh viện phụ sản lớn nhất nhì TP HCM báo tin cho vợ chồng em trai tôi: mẹ thiếu nước ối, tim thai yếu, lại cao huyết áp, yêu cầu bỏ thai. "Vợ em hơn 30 rồi, nếu bỏ chắc không có con được nữa…" - em trai tôi vừa nói vừa nghẹn, mắt rơm rớm.
Tôi thử nhờ bạn bè giúp đỡ và được giới thiệu bác sĩ Vũ Xuân Thọ, lúc đó là Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Sau khi khám xong, ông buông một câu chắc nịch: "Không bỏ! Còn nước còn tát. Nhập viện để tôi theo dõi đến ngày sinh luôn".
“Ông đỡ mát tay” Vũ Xuân Thọ
Vợ chồng em tôi như được cứu lên từ vực sâu. Hơn 1 tháng trôi qua cả nhà hồi hộp theo dõi. Em dâu tôi nằm phòng sản, được theo dõi hằng ngày. Nước ối tăng dần, ai cũng mừng. Lần khám cuối, đột nhiên tim thai ngưng, bệnh viện đề nghị mổ với một câu… hên - xui: "Chủ yếu để cứu mẹ. Còn đứa bé nếu ra mà thở được thì sống…".
Bác sĩ Thọ không trực hôm đó nên tôi phải gọi điện thoại "cầu cứu". Ông nhanh chóng xuất hiện và đưa em dâu tôi đi siêu âm lại. Sau khi xác định tim thai vẫn ổn, ông trực tiếp mổ ca khó này với mong muốn duy nhất: "Cả mẹ lẫn con đều sẽ ổn".
Cả nhà hồi hộp chờ đợi. Rồi cánh cửa phòng mổ cũng mở ra. Kéo khẩu trang xuống, bác Thọ nói ngay với tôi: "Nước ối của mẹ tuy ít nhưng trong, nên đứa bé dù nhỏ con nhưng khỏe mạnh, chúc mừng gia đình nhé".
Nhìn đứa bé nhỏ xíu như ổ bánh mì con con, chỉ cân được 1,65 kg, cả nhà ai cũng bồi hồi như phép mầu vừa xảy ra. Cha của bé mừng quá hóa sảng, đi từ phòng sinh ra cửa, gặp ai cũng nắm tay khoe: "Vợ em sinh rồi, em có con rồi".
Đúng là bác Thọ mát tay, nhóc Bush (đặt theo tên tổng thống Mỹ cho nó mạnh mẽ) bé tẹo ngày nào, nay đã là chàng sinh viên, nặng 70 kg và đã có người yêu.
Bảo vật duy nhất
"Con bị K giáp, giờ đã ổn định (vẫn đang uống thuốc), bỗng dưng có thai. Bác sĩ điều trị nói không được có con, sợ di chứng cho bé và sợ sức khỏe của mẹ. Nhưng gia đình chồng con ít người, rất mong có cháu nên con muốn giữ đứa trẻ này. Được không bác sĩ?". Lại một câu hỏi khó và "ông mụ" Vũ Xuân Thọ trả lời: "Được!".
Sau này bác sĩ Thọ giải thích kỹ hơn cho quyết định của mình: "K giáp là nhẹ nhất trong các dạng ung thư. Người mẹ đã điều trị ổn định nên tôi nghĩ không quá lo chuyện bị di chứng. Lại thêm sau khi thăm khám, thấy thai nhi phát triển bình thường, tôi mới quyết định dưỡng thai cho bé chào đời".
Phụ huynh và các cháu thăm bác sĩ Vũ Xuân Thọ (thứ 4 từ phải sang) vào dịp Quốc tế thiếu nhi. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với ca bệnh này, bác sĩ Thọ lại kiên trì theo dõi, thăm khám liên tục. Có lúc nỗi sợ hãi khiến người mẹ muốn bỏ cuộc. Nhưng sự tự tin cùng những lý giải dựa trên kết quả điều trị của bác sĩ Thọ đã khiến người mẹ và gia đình yên tâm. Ngày đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, cả nhà đặt tên cho cháu là Bảo Duy với ý nghĩa: bác Thọ đã tặng bảo vật này không chỉ cho mẹ mà cho cả cuộc đời của bé.
Đến thăm bác Thọ vào dịp nghỉ hè lúc 5 tuổi, Bảo Duy khoanh tay, cúi đầu: "Con cảm ơn bác rất nhiều. Nhờ bác mà con mới có mặt trên đời".
Bây giờ Bảo Duy đã học lớp 11, khỏe mạnh, đẹp trai ngời ngời và là "bảo vật" của cả 2 bên họ hàng nội ngoại.
Ca khó, có bác Thọ
"Con có một bướu trong tử cung, lại đang có thai, làm sao bác Thọ?", "Con đã 40 tuổi, giờ có thai, ai cũng nói sinh khó, nhờ bác Thọ mát tay đỡ giúp", "Em gần 40 tuổi, mang song thai, không biết có thai nên lỡ uống hơn 10 viên vitamin A liều cao, đi 3 bệnh viện đều bảo bỏ thai vì sợ dị tật, nhờ bác theo dõi, giúp em giữ con"…
Tiếng lành đồn xa, cứ có ca khó được chỉ định bỏ thai là các chị em tìm đến bác sĩ Thọ. Chẳng biết có lần nào ông chịu thua không nhưng các ca khó mà tôi giới thiệu đến ông đều mẹ tròn con vuông. Chẳng những thế, mấy nhóc phát triển khỏe mạnh, học hành giỏi giang.
Mỗi năm một lần đến nhà thăm ông, tụi nhóc ngày một "phát tướng". Một chiếc xe 7 chỗ giờ phải kèm 2 - 3 chiếc xe máy mới đủ chở. Tiếng là đến cảm ơn và thăm hỏi bác sĩ ân nhân nhưng lúc nào bác Thọ cũng chiêu đãi tụi nhóc đủ thứ, nào gà rán, pizza, bánh kem, trái cây… Ông hớn hở như được đón khách VIP đến nhà. "Thế này là hạnh phúc lắm rồi, tôi chẳng mong gì hơn" - bác sĩ Thọ chia sẻ.
Giờ đã bước qua tuổi hưu nhưng bác Thọ vẫn chưa thể "vui thú điền viên". Hiện ông là Trưởng Khoa Phụ sản - Bệnh viện Phụ sản Mê Kông. Tuy 2 công chúa của bác Thọ học giỏi nhưng không nối nghiệp cha, ông vẫn tự tin: "Có sao đâu, chắc rằng trong số trẻ mà tôi đỡ sẽ chọn nghề "ông mụ" cao quý này".
Nhớ ơn bác sĩ Vũ Xuân Thọ
Biết ơn bác sĩ Thọ đã giúp mẹ "giữ" lại mình, mấy đứa nhóc làm thơ tặng bác. Ông khoe với tôi đã giữ bài thơ như một bảo vật:
Hôm nay, Quốc tế thiếu nhi
Chúng cháu họp mặt có gì vui hơn
Gia đình hết sức biết ơn
Nhờ công bác sĩ, vượt cơn nguy nàn
Giờ đây chúng cháu hân hoan
Được quyền vui sống hân hoan trên đời
Chúng cháu được học, được chơi
Cùng nhau thi thố dưới trời bao la
Không quên ân đức thiết tha
Tay vàng, bác đã cho ta ra đời
Hôm nay rộn rã tiếng cười
Vỗ tay tưởng thưởng niềm vui dạt dào.
Bình luận (0)