Suốt 5 năm qua, mỗi khi đến ngày Quốc tế điều dưỡng 12-5, tôi đều chia sẻ câu chuyện về một nữ điều dưỡng đặc biệt - tên là Nguyễn Thị Thu Thủy - lên trang Facebook cá nhân.
Người mang tiếng cười
Năm 2008, lần đầu tôi gặp Thủy. Trong Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), Thủy luôn là người nổi bật nhất vì thân hình quá khổ, nước da ngăm; lúc nào cũng chảy mồ hôi nhễ nhại khắp người.
Có lẽ vì ngoại hình ấy mà Thủy hay tự ti về bản thân. Mỗi lần đẩy xe thuốc đi ngang đám đông, cô luôn cúi gằm mặt, cố gắng lướt qua thật nhanh. Thỉnh thoảng có vài tiếng xì xầm, cười chọc ngoại hình của nữ điều dưỡng, vậy mà chẳng bao giờ Thủy cáu giận. Có lần tôi thoáng thấy cô buồn, lủi ra một góc, một lúc sau quay vào làm việc với nụ cười tươi tắn.
Dù phải tăng ca làm việc cả ngày, Thủy vẫn truyền năng lượng tích cực đến mọi người, chưa bao giờ than vãn điều gì. Đôi mắt cô sáng, ánh lên sự lương thiện.
Vừa nhẹ nhàng vệ sinh vết thương, Thủy vừa trò chuyện để bệnh nhân quên đi đau đớn. Qua cách kể chuyện hóm hỉnh, chẳng mấy chốc ai cũng bật cười vì sự duyên dáng của nữ điều dưỡng đặc biệt này.
Vì sống một mình nên Thủy hiểu cảm giác trống trải, buồn tủi khi mang bệnh mà không có người thân bên cạnh. Đó cũng là lý do Thủy luôn dành sự quan tâm, chăm sóc tận tình cho những bệnh nhân phải nhập viện một mình.
Phép mầu
Hôm ấy là một ngày có rất nhiều ca cấp cứu. Tôi hoàn tất ca phẫu thuật cuối cùng vào lúc nửa đêm. Tôi mệt nhoài vì có nhiều ca bệnh phải xử lý cùng lúc. Rời phòng phẫu thuật, tôi đến phòng hồi sức kiểm tra các bệnh nhân một lượt trước khi về phòng chợp mắt.
Điều dưỡng viên trực báo với tôi bệnh nhân A bất ngờ trở nặng và không tự thở được. Khi ấy, bệnh viện chưa có máy thở, các điều dưỡng viên phải thay phiên bóp bóng thở cho bệnh nhân. 5 phút, 10 phút, 15 phút sau, tình hình bệnh nhân vẫn không khả quan.
Không ai nói với ai câu nào, mọi người ngầm hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với bệnh nhân A. Một không gian im lặng đến đáng sợ… Kíp trực đã đề xuất ngưng bóp bóng. Giữa lúc có nhiều bệnh nhân nặng, đội ngũ y tế có hạn, thầy thuốc buộc phải ưu tiên cứu chữa những người còn khả năng sống sót. Thế là tôi đồng ý ngưng bóp bóng thở.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Minh và điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Bỗng sau lưng tôi vang lên một giọng nói: "Bác Minh ơi, em đã xong ca trực của mình, bác cho em ở lại bóp bóng cho bệnh nhân này. Em sẽ làm đến khi nào hết sức thì thôi". Thật tình, lúc ấy tôi chẳng có hy vọng gì với hành động này nhưng vẫn gật đầu đồng ý vì Thủy quá nhiệt tình.
Sáng sớm hôm sau, vừa đến phòng hồi sức, một điều dưỡng viên vội vàng chạy về phía tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui.
"Bác Minh ơi, bệnh nhân A còn sống! Bệnh nhân tự thở được rồi bác ơi!" - nữ điều dưỡng vui mừng nói.
Tôi "đứng hình" - không hiểu là thật hay mơ, kỳ tích xảy ra à? Bất giác, tôi đảo mắt tìm Thủy. Ở bệnh viện, tôi có thói quen thưởng "nóng" cho những điều dưỡng viên chăm chỉ và lần này cũng không ngoại lệ. "Gần sáng, sau khi bệnh nhân ổn định thì chị Thủy mới chịu về nhà" - một điều dưỡng viên khác cho tôi biết.
Phép mầu đã xảy ra! Phép mầu không đến từ khối óc của bác sĩ, mà đến từ trái tim ấm áp của nữ điều dưỡng. Giây phút ấy, tôi chợt nhận ra điều gì đó nhưng không thể diễn tả bằng lời…
Người phụ nữ mạnh mẽ
Năm ấy, bệnh viện đổi đồng phục, nữ chuyển sang mặc váy. Thủy len lén đến thỏ thẻ với tôi. Người phụ nữ với dáng người thô kệch bỗng lưng tròng nước mắt. "Bác Minh ơi, bác cho phép em mặc lại đồng phục cũ vì khi mặc váy sẽ thấy rõ 2 "cột đình" đen thui. Em ngại lắm, không thoải mái làm việc được" - Thủy tâm sự.
Tôi mỉm cười và đồng ý với lời đề nghị này, bởi không có việc gì ưu tiên hơn chất lượng công việc và Thủy cũng là trường hợp có ngoại hình đặc biệt.
Vài tháng sau, Thủy bỗng chuyển sang mặc váy, mang vớ da. Nữ điều dưỡng đã biết chăm chút bản thân. Trong bộ váy đồng phục, Thủy dịu dàng, thục nữ hơn, không còn có khoảng cách với những đồng nghiệp nữ khác.
Nhiều năm trôi qua, tôi đến tuổi về hưu, nữ điều dưỡng ngày nào cũng nghỉ việc.
Một ngày nọ, tôi có việc vào lại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, giữa bao người qua lại ở sảnh, tôi thoáng nhìn thấy một bóng lưng quen thuộc. Tôi với người gọi: "Thủy, điều dưỡng Thủy phải không?".
Người ấy quay lại, vẫn nụ cười lạc quan hồn nhiên - đúng là điều dưỡng Thủy rồi. Sau bao năm gặp lại, Thủy lần này khác lắm - cô mặc bộ quần áo có vài mảnh vá, tay xách nách mang những bịch bánh, trái cây để bán loanh quanh bệnh viện. Vẫn làn da ngăm ấy nhưng người xanh xao, ốm hẳn so với trước kia. Với con mắt của một bác sĩ, tôi biết Thủy đang có vấn đề về sức khỏe.
Mắt tôi nhòe đi khi biết Thủy mắc căn bệnh ung thư máu quái ác. Người phụ nữ ấy đã dành cả cuộc đời để chăm sóc bệnh nhân, vậy mà khi ngã bệnh, cô chỉ lủi thủi một mình.
Những tháng ngày đấu tranh với bệnh tật, Thủy sợ... - sợ cảm giác cô đơn, Thủy nhớ… - nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp. Thủy kể mỗi ngày đều phải dậy thật sớm để làm bánh, sau đó chạy xe từ nhà ở quận 4 đến bệnh viện để bán. Thủy tâm sự bán bánh là để có tiền trang trải thuốc men, cũng là cớ để cô có thể lui tới bệnh viện thường xuyên.
Năm 2022, qua một bài viết chia sẻ về bệnh tình của Thủy, một người bạn ở nước ngoài đã nhờ tôi chuyển số tiền đến Thủy để hỗ trợ chi phí chữa bệnh và cuộc sống. Tôi mời Thủy đến nhà tôi, vẫn nụ cười và giọng nói ấy. Nữ điều dưỡng năm xưa luôn miệng hỏi thăm sức khỏe của vợ chồng tôi.
Bề ngoài, cô luôn thể hiện mình là người lạc quan, tích cực nhưng tôi biết cô đang đấu tranh với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Đứng trước hiên nhà nhìn bóng lưng tần tảo của Thủy đang đi về, tôi thầm mong sẽ có sự mầu nhiệm đến với người phụ nữ hiền lành này…
Đầu năm 2023, Thủy đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi lặng người nhớ về những kỷ niệm. Thế là hết một kiếp người, Thủy đã sống một cuộc đời hết mình với nghề, hết mình với bệnh nhân.
Người thầy đầu tiên của bác sĩ là điều dưỡng viên
Trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Thanh Minh kể về những người thầy đặc biệt khi ông còn là sinh viên thực tập. "Khi ấy tôi chỉ là một sinh viên trẻ, chân ướt chân ráo vào nghề. Các điều dưỡng viên đã hướng dẫn tôi từ việc cơ bản nhất như lấy máu, thay băng, tiêm thuốc, thay drap giường cho bệnh nhân. Đó là những bài học đầu tiên khi tôi trở thành bác sĩ" - bác sĩ Minh nhớ lại.
Theo bác sĩ Minh, điều dưỡng viên chính là cánh tay đắc lực của bác sĩ. Thầy thuốc không thể chữa bệnh nếu không có sự hỗ trợ của người điều dưỡng. Ngày nay, điều dưỡng viên dần khẳng định được vai trò của mình trong công tác chữa bệnh cứu người. Nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ sự thông minh và kinh nghiệm của điều dưỡng viên. Trong các trường hợp đặc biệt, người điều dưỡng "ra trận" không khác gì bác sĩ thực thụ.
Huế Xuân ghi
Bình luận (0)