Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ (BS) Đinh Quang Thanh, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM (quận 8), cho biết bệnh nhân Covid-19 ngay từ khi nhập viện phải tiến hành song song việc điều trị Covid-19 và chăm sóc phục hồi chức năng. Có như vậy, bệnh nhân mới sớm hồi phục sức khỏe.
Di chứng đa cơ quan
Trải qua cơn thập tử nhất sinh, bà P.T.M (60 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) cho biết bà mắc Covid-19, phải thở máy không xâm lấn. Sau khi khỏi bệnh, bà M. thường xuyên thấy khó thở; các hoạt động đi, đứng, ngồi khó khăn hơn trước bởi quá trình nằm điều trị quá lâu không được vận động. Bà M. đã được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM.
"Tại đây, tôi và nhiều bệnh nhân khác được các kỹ thuật viên hỗ trợ tập thở để phục hồi phổi. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập các động tác như gập gối, đứng, ngồi, nhấc từng bước chân… Đến nay, tôi đã ngồi, đứng vững hơn và được BS hướng dẫn về nhà tiếp tục bài tập" - bà M. cho biết.
Kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tập vận động. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Theo BS Đinh Quang Thanh, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM đang điều trị khoảng 10% bệnh nhân Covid-19, tương đương gần 40 giường bệnh; còn lại là điều trị cho những bệnh nhân hậu Covid-19. Chương trình điều trị phục hồi chức năng hậu Covid-19 của bệnh viện này điều trị cho bệnh nhân F0 tại đây và cả bệnh nhân đã khỏi Covid-19 (nhưng bị di chứng nặng) ở các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TP.
BS Thanh thông tin: "Bệnh viện vừa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân dù đã khỏi Covid-19 nhưng chưa thể xuất viện về nhà. Di chứng Covid-19 đã ảnh hưởng đến đa cơ quan của họ, khiến các chức năng của tim, phổi, thận, cơ, tiêu hóa, thần kinh… đều bị tổn thương".
Tái hòa nhập cuộc sống
BS Đinh Quang Thanh cho rằng cần phải sớm lập các phòng khám chuyên về Covid-19 ở các bệnh viện, vì số bệnh nhân di chứng hậu Covid-19 là rất lớn. Nhiều nhất là những bệnh nhân Covid-19 thể nặng, nguy kịch may mắn khỏi bệnh; số bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ hơn cũng không phải là ít. Trong số này, nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 là những người nằm trong nhóm "dễ tổn thương" như người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, sau ghép tạng, có tiền sử ung thư...
"Di chứng đến phổi sẽ khiến bệnh nhân bị khó thở, di chứng đến tiêu hóa thì khiến bệnh nhân khó ăn uống, di chứng thần kinh khiến bệnh nhân trầm cảm, stress hay teo cơ do không vận động… Với tất cả những hệ quả hậu Covid-19 này, chúng tôi phải kiên trì chăm sóc, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người bệnh" - BS Thanh nhấn mạnh.
Theo BS Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng 1A (quận Tân Bình, TP HCM), các trường hợp mắc Covid-19 thể nặng thường sẽ được chăm sóc phục hồi chức năng về thể chất và nhận thức ngay trong quá trình điều trị bệnh, để hạn chế các tác động gây hại của virus lên cơ thể và tinh thần.
"Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, hệ cơ - bao gồm nhóm cơ hô hấp - sẽ bị yếu đi và cơ thể suy nhược trong một thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn và để lại di chứng tàn tật. Nếu được điều trị phục hồi chức năng tốt sẽ giúp bệnh nhân có thể tái hòa nhập cuộc sống và giảm nguy cơ tái phát" - BS Calvin Q Trịnh cho hay.
Bình luận (0)