Trong buồng bệnh, 2-3 bệnh nhân chen chúc trên một chiếc giường bề ngang chỉ 70-80 cm hoặc nằm theo kiểu “lộn đầu đuôi”; còn ngoài hành lang, chân cầu thang BV thì la liệt bệnh nhân và người nhà. Tại các khu khám bệnh của nhiều BV tuyến cuối, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi đến lượt khám. Một số bệnh nhân cho biết có ngày họ phải chờ đến 10 giờ mới đến lượt khám bệnh!
Tháng 4-2016, sau khi viện phí được điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại tiếp tục chỉ đạo các BV hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép, không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ nhập viện… Tuy nhiên, sau một số lần thị sát tại các BV tuyến trung ương, bộ trưởng Bộ Y tế phải lắc đầu thừa nhận rằng tại một số BV lớn, việc giảm tải chưa có nhiều chuyển biến. Việc không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ khó áp dụng với những BV tuyến cuối và đầu ngành như ung bướu, sản khoa… Trước áp lực quá tải, đến nay, một số BV tuyến cuối ở Hà Nội và TP HCM chưa dám ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.
Có thể nhận thấy các giải pháp “hạ hỏa” đang được triển khai như xây dựng BV vệ tinh; luân chuyển cán bộ về tuyến y tế cơ sở; xây mới, mở rộng BV... cũng chưa giải quyết được tình trạng quá tải. Không ít bác sĩ phàn nàn “có xây mới nữa thì BV tuyến trên vẫn quá tải” bởi trong thực tế, người dân chưa thật tin vào y tế tuyến dưới. Còn dùng các biện pháp chống quá tải như kêu gọi người dân khám bệnh nhẹ tuyến dưới hoặc dùng các biện pháp hành chính “cắt” BHYT của người khám ngoại trú vượt tuyến... vẫn không lay chuyển được người bệnh. Họ sẵn sàng trả tiền khám bệnh, điều trị giá cao để “mua” niềm tin, được chữa bệnh chính xác và mau khỏi bệnh. Theo một chuyên gia về chính sách y tế, nhân lực ở BV tuyến dưới vừa thiếu lại vừa hạn chế về chuyên môn.
Đầu năm 2016, tỉ lệ giường bệnh trên cả nước đã đạt 32,1 giường bệnh/10.000 dân (tăng 7,4 giường bệnh/10.000 dân so với năm 2012). Thế nhưng, với rất nhiều người bệnh, ước mong đến BV trung ương chữa bệnh mà không còn phải nằm ghép có lẽ vẫn là điều xa vời.
Bình luận (0)