Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2151 về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh cho thấy đến nay, các cơ sở y tế thuộc 63/63 tỉnh - thành phố, 38/38 bệnh viện (BV) tuyến trung ương, 7 BV thuộc các trường đại học y, dược và 100% cán bộ y tế đã ký cam kết thực hiện quyết định này.
Căng thẳng cho cả hai phía
“Chờ đợi lâu khi đi khám chữa bệnh gây mỏi mệt, căng thẳng nhất” là ý kiến của bạn đọc Thanh Xuân (Hà Nội) khi đặt câu hỏi giao lưu. Một số bạn đọc khác thì cho rằng chính quá tải BV là nguyên nhân khiến các cuộc đối thoại thầy thuốc - bệnh nhân trở nên căng thẳng. Số lượng bệnh nhân nội trú ở các BV lớn luôn cao hơn số giường khiến một số người phải nằm hành lang, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn BV cũng như tạo ra sự nhếch nhác về cảnh quan chung.
Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 (TP HCM), điều này có thể giải quyết nếu BV có các phương án rút ngắn thời gian khám chữa bệnh như khám thông tầm, đăng ký hẹn giờ khám qua tổng đài 1080, tăng cường số lượng bàn khám, đầu tư khu chờ đợi thoáng mát, có bộ phận chăm sóc khách hàng hướng dẫn chu đáo cho người bệnh...
PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng nỗ lực rút ngắn thời gian nằm viện, cho bệnh nhân xuất viện sớm khi đã ổn định và phát triển các cơ sở điều dưỡng chăm sóc sau nằm viện cũng giúp giải quyết quá tải. Ngoài ra, với một số dạng phẫu thuật không cần thời gian theo dõi hậu phẫu quá lâu, BV có thể sắp xếp cho bệnh nhân xuất viện trong ngày.
Còn tại phòng khám, khi tình trạng quá tải khiến bác sĩ và bệnh nhân không có nhiều thời gian đối thoại thì cả hai phía nên cùng hợp tác. Bệnh nhân và thân nhân nên chuẩn bị trước cho mình những câu hỏi trọng tâm, ngắn gọn và súc tích. Nếu có nhiều thân nhân thì nên bàn bạc trước và chọn ra một người đại diện. Về phía nhân viên y tế, phải nắm vững tâm lý của người bệnh, tình trạng bệnh và từng giai đoạn bệnh để có thể giải thích hợp tình hợp lý và hiệu quả cho bệnh nhân và thân nhân trong thời gian ngắn nhất.
TS-BS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, cho biết bộ cũng chỉ đạo các BV khi thấy tình trạng quá tải phải điều phối, tăng cường bác sĩ khám chữa bệnh hoặc thực hiện đăng ký khám bệnh qua điện thoại để giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế và người bệnh, dứt khoát không để một bác sĩ khám quá nhiều bệnh nhân trong một ngày. Đối với những bệnh nhẹ như cảm cúm, người bệnh không nhất thiết phải lên tuyến trên mà có thể đến trạm y tế xã, BV huyện để tránh quá tải. Nhiều BV cũng có phương án xây nhà chờ cho thân nhân, bố trí lại bệnh nhân giữa các khoa khi có quá tải cục bộ để hạn chế tình trạng nằm hành lang.
Cần sự thấu hiểu
Bạn đọc Quốc Anh cho rằng nhiều bệnh nhân cũng cảm thấy phiền toái bởi chính thái độ của những bệnh nhân, thân nhân khác, như thiếu lịch sự tối thiểu, thường làm ầm ĩ, biến BV thành cái chợ, gây phiền hà cho nhân viên y tế...
Phản hồi ý kiến này, GS-TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương - nhận định nhân viên y tế nơi này, nơi khác cũng có thái độ chưa tốt đối với người bệnh trong lời ăn tiếng nói hay khi hướng dẫn, hỗ trợ... Về phía bệnh nhân, bên cạnh những người thực hiện rất tốt quy định, nội quy cũng có người ứng xử chưa đúng mực, thậm chí xúc phạm cán bộ y tế. Đó là sự thật khá phổ biến. Vì thế, sự chia sẻ, thấu hiểu nhau là rất quan trọng.
“Sự hài lòng phải đến từ hai phía. Tuy nhiên, cán bộ y tế trước hết cần xác định: Phải thấu hiểu nỗi đau của người bệnh để chia sẻ và điều trị tốt nhất. Tôi cũng mong muốn người bệnh khi vào BV nên hết sức bình tĩnh, nêu rõ những ý kiến chính đáng để cán bộ y tế hiểu và phục vụ tốt nhất” - TS-BS Phạm Văn Tác bày tỏ.
Đối với tình huống giả định là có tai biến, TS-BS Nguyễn Đình Phú cho rằng rủi ro trong y khoa là điều nằm ngoài mong đợi. Bất cứ một phẫu thuật nào dù lớn hay nhỏ đều có thể xảy ra các tai biến rủi ro.
“Bác sĩ phải tư vấn kỹ các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra cho người bệnh và gia đình hiểu rõ, tạo sự đồng thuận thật sự giữa hai bên. Khi tư vấn, thầy thuốc không nên hạn chế thời gian đối với người bệnh cho đến khi người nhà đã thông hiểu hết. Tránh việc tư vấn không hết các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong và sau mổ, dù đó là các tai biến cho phép trong y khoa. Nếu lỗi thuộc về sai sót trong chuyên môn thì người thầy thuốc phải rút kinh nghiệm để chấn chỉnh trong chuyên môn. Nếu là rủi ro trong phạm vi y khoa thì cần giải thích và tư vấn để gia đình hiểu rõ” - TS-BS Nguyễn Đình Phú nhấn mạnh.
Taxi, xe cứu thương giành khách: Không khó giải quyết
TS-BS Nguyễn Đình Phú cho biết tất cả taxi đậu trong khuôn viên BV đều của một hãng và có hợp đồng mang tính chất pháp lý rõ ràng với BV nên không xảy ra tình trạng tranh giành khách, gây phiền hà cho bệnh nhân. Các xe vãng lai đưa bệnh nhân đến cấp cứu, sau khi làm xong nhiệm vụ phải rời khỏi khuôn viên BV, không được ở lại giành khách. Riêng xe cá nhân của bệnh nhân thì được lưu lại BV và bảo vệ sẽ hướng dẫn khu vực chờ hợp lý. Về tình trạng taxi tranh giành khách ở bên ngoài cổng thì BV không có quyền hạn giải quyết nên rất cần đến các cơ quan chức năng để bảo đảm trật tự chung.
Bình luận (0)