xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẵn sàng đương đầu đại dịch

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Dù thông tin Việt Nam có ca bệnh Ebola đầu tiên chỉ là thất thiệt nhưng dư luận cũng hết sức hoang mang. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh này

Tại buổi họp báo về dịch Ebola do Bộ Y tế tổ chức ngày 12-8, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định thông tin trên Facebook cho rằng Việt Nam có một ca bệnh Ebola điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai là không chính xác. Dịch bệnh Ebola hiện chưa vào Việt Nam và tại nước ta chưa có trường hợp nào mắc virus này.

Cực kỳ nguy hiểm, không thể giấu

“Không phải cứ có các triệu chứng như sốt, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, suy gan… là cần lập tức xét nghiệm Ebola. Chỉ người tiếp xúc với vùng dịch, bệnh nhân nhập cảnh từ vùng dịch về và có các triệu chứng thì mới phải cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm” - ông Phu nhấn mạnh.

Hành khách đến từ vùng có dịch khai báo y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài trước khi nhập cảnh
Hành khách đến từ vùng có dịch khai báo y tế tại sân bay quốc tế Nội Bài trước khi nhập cảnh

Theo PGS-TS Phu, ngay cả khi có người nhiễm Ebola, Bộ Y tế cũng không thể giấu vì virus này rất nguy hiểm, phải có biện pháp điều trị và phòng tránh lây lan. Các biện pháp, kế hoạch ứng phó đại dịch, phòng tránh lây lan rộng ra cộng đồng đã được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn.

Bộ Y tế khẳng định nếu ghi nhận trường hợp nghi nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, bệnh nhân sẽ được cách ly ngay, ngành y tế sẽ lập tức triển khai biện pháp phòng chống như với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh Ebola xâm nhập Việt Nam...

Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng xét nghiệm virus Ebola phải ở mức độ 4, trong khi 2 phòng xét nghiệm tại nước ta mới ở cấp độ 3. Do đó, nếu có ca nghi ngờ nhiễm virus Ebola thì Việt Nam phải gửi mẫu tới 1 trong 9 phòng xét nghiệm quy chuẩn trên thế giới. Trong trường hợp cấp thiết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ giúp Việt Nam nâng cấp 2 phòng xét nghiệm để có thể xét nghiệm ngay trong nước.

Nguy hơn cả HIV

Tại buổi họp báo, ông Kato Masaya, điều phối kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc WHO, nhận định nguy cơ lây nhiễm virus Ebola vào Việt Nam là thấp. Virus này lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người, động vật đã nhiễm, trong khi Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola.

Đại diện WHO nêu rõ 2 cách lây truyền virus Ebola: Lây trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm virus có triệu chứng, người mắc bệnh tử vong, động vật nhiễm virus và là lây gián tiếp qua tiếp xúc với dịch xét nghiệm, nước mắt, nước tiểu, máu vướng ra môi trường... Với trẻ, virus Ebola cũng có thể lây qua đường sữa mẹ nếu người mẹ bị bệnh.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola có cách thức lây truyền khá giống bệnh do HIV nhưng tốc độ, sức phá hoại còn nhanh hơn, nguy hiểm hơn.

“Thời gian ủ bệnh - từ khi nhiễm virus đến lúc xuất hiện triệu chứng - là 2-21 ngày. Bệnh nhân trở thành nguồn lây ngay sau khi họ bắt đầu có triệu chứng nhưng trong thời gian ủ bệnh thì không lây lan. Virus Ebola có thể lưu hành trong môi trường 1 tuần nhưng lại dễ bị tiêu diệt với mọi loại hóa chất diệt khuẩn thông thường. Do đó, cần rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ” - ông Khuê khuyến cáo.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng mọi phương án ngăn chặn dịch do virus Ebola. Bộ đã có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân để phát cho các đối tượng nguy cơ cao khi làm nhiệm vụ. Tuần này, bộ sẽ mở một số lớp tập huấn về phương pháp nhận biết, cách ly và điều trị bệnh nhân Ebola cho cán bộ y tế các bệnh viện.

Giám sát khách nhập cảnh

Ngày 12-8, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã phối hợp với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng triển khai giám sát thân nhiệt hành khách để phòng dịch Ebola. Sân bay Đà Nẵng đã được lắp 1 máy đo thân nhiệt và ngày 14-8 sẽ lắp thêm 1 máy. Tại cửa khẩu cảng biển cũng được lắp máy đo thân nhiệt và triển khai kiểm tra sức khỏe hành khách khi vào Đà Nẵng. Các cửa khẩu quốc tế ở TP này cũng đã áp dụng tờ khai y tế nhằm kiểm soát dịch sớm hơn.

Cùng ngày, Sở Y tế TP HCM đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM cho biết mỗi ngày, sân bay này tiếp nhận khoảng 10.000 hành khách quốc tế nhập cảnh. Tuy nhiên, số người đến từ vùng có dịch Ebola không nhiều. Số người ngụ tại TP HCM đi học tập, lao động tại vùng có dịch Ebola cũng rất ít.

B.Vân - Th.Trang

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo