Bệnh nhân Mai Thị L. hồi phục kỳ diệu sau hơn 2 tháng bị sốc phản vệ thuốc trị dạ dày
Được chẩn đoán loét dạ dày nhưng sau 2 ngày dùng thuốc điều trị dạ dày, trong đó có thuốc trị vi khuẩn HP, bệnh nhân Mai Thị L. (34 tuổi, ở tỉnh Tuyên Quang) bất ngờ bị phản ứng thuốc với các biểu hiện đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu…
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) khám và được chẩn đoán sốc phản vệ với thuốc.
Tuy nhiên, sau khi xử trí với các thuốc chống dị ứng, tình trạng bệnh của bệnh nhân L. tiếp tục nặng lên, bệnh nhân thấy mệt, chóng mặt, tiếp đó là hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng lại tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2 và sau 15 phút ép tim ngoài lồng ngực, tim bệnh nhân mới đập trở lại.
Lãnh đạo BV Hùng Vương đã gọi điện cho các chuyên gia hồi sức của BV Bạch Mai xin ý kiến hỗ trợ.
Nhận định đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng, GS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, đã đề nghị chuyển BV đến tuyến điều trị cao hơn. Bệnh nhân được chuyển xe cấp cứu về Hà Nội, cùng đó BV Bạch Mai cũng cử 1 đội cấp cứu do bác sĩ lên đường hỗ trợ đón bệnh nhân trên đường đi. Sau khi tiếp cận được bệnh nhân trên đường về Hà Nội, bác sĩ Phạm Thế Thạch (BV Bạch Mai) đã hội chẩn trên xe cứu thương và hộ tống bệnh nhân về BV Bạch Mai.
Các bác sĩ nhận định cứu sống bệnh nhân này là một kỳ tích
Tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, nhóm bác sĩ thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) sẵn sàng chờ đón bệnh nhân. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch: nhịp tim rất nhanh, huyết áp thấp, hôn mê sâu, suy hô hấp rất nặng, phù phổi cấp, thiếu oxy và toan chuyển hóa nặng rối loạn.
Chẩn đoán đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch với biến chứng ngừng tuần hoàn, chảy máu phổi, tim đập rời rạc rất yếu... bệnh nhân được chỉ đụng sử dụng ECMO ngay lập tức. Tuy nhiên, trong suốt 5 ngày điều trị, tính mạng bện nhân liên tục bị đe doạ, bệnh nhân hôn mê, đồng tử hai bên giãn, chảy máu nhiều nơi. Đến ngày thứ 6, hoạt động điện của tim, nhịp tăng dần, tim bắt đầu co bóp tốt hơn nhưng tình trạng suy đa tạng chưa cải thiện nhiều.
Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, hết suy đa tạng nên đã rút nội khí quản, thở oxy liều thấp, tập phục hồi chức năng.
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), sau gần 2 tháng điều trị, sức khoẻ bệnh nhân dần hồi phục.
Đến chiều 22-6, bệnh nhân được xuất viện trở về với chồng và 2 con nhỏ. "Đây là một trong những ca bệnh nặng nhất mà các thầy thuốc ở đây tiếp nhận và điều trị trong hàng chục năm qua. Việc cứu sống bệnh nhân này cũng là một kỳ tích bởi ngoài nỗ lực của các thầy thuốc, còn có sự hỗ trợ rất nhiều của tiến bộ y học trong đó có máy hỗ trợ tim phổi ECMO"- PGS Đào Xuân Cơ nhận định.
Bình luận (0)