Nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins (Maryland), Mỹ dựa trên dữ liệu chi tiết của 775 trẻ em cho thấy đứa trẻ được sinh ra với lượng vitamin D thấp có nguy cơ cao đối diện với chứng cao huyết áp từ khi 6-18 tuổi.
Vitamin D dồi dào trong ánh nắng, cá dầu, trứng, sữa... rất nên được bổ sung trong thai kỳ - ảnh minh họa từ internet
Cao huyết áp ở trẻ em là một vấn đề y tế đáng ngại trong thời gian gần đây, có xu hướng gia tăng, được cho là do chế độ ăn uống – vận động hiện đại. Cao huyết áp từ tuổi ấu thơ đến vị thành niên có thể dẫn đến khi trưởng thành bị bệnh cao huyết áp nặng, phụ thuộc nhiều vào thuốc, khó kiểm soát và diễn tiến xấu hơn nhiều so với người mắc từ độ tuổi trung niên.
Các nhà nghiên cứu đã đo đạc nồng độ vitamin D trong máu cuống rốn khi sinh của các cháu bé và trong máu của các em bé trong tuổi ấu thơ. Các trẻ này được theo dõi sức khỏe nhiều năm về sau.
Kết quả là những đứa bé sinh ra thiếu vitamin D có nguy cơ sở hữu huyết áp tâm thu cao hơn khoảng 60% trong độ tuổi 6-18 so với những đứa bé nhận được đầy đủ vitamin D.
Cách để một em bé được sinh ra với nồng độ vitamin D đầy đủ là người mẹ phải bổ sung loại vitamin này trong thai kỳ.
Được mệnh danh là "vitamin mặt trời", vitamin D được tổng hợp khi chúng ta tiếp xúc da trần với ánh sáng mặt trời một thời lượng vừa đủ trong ngày. Nó cũng hiện diện khá nhiều trong các loại cá dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá kiếm…), trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra còn một lựa chọn nữa là bổ sung vitamin D bằng viên uống, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê liều lượng hợp lý nếu bạn chọn phương án này.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Hypertension.
Bình luận (0)