Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP HCM vừa tiếp nhận cứu chữa nữ bệnh nhi Ng.Ng.M (12 tuổi) bị vẹo cột sống ngực 111 độ, giống hình chữ S và bị rỗng tủy cổ, gia tăng nguy cơ liệt trong quá trình phẫu thuật.
Lấy lại hình dáng
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, bé M. được đưa vào BV trong tình trạng đi đứng khó khăn do vẹo cột sống ngực. Ngoài việc ổn định nội khoa, nâng cao tổng trạng, bệnh nhi được đặt vòng Halo kéo tạ tăng dần liên tục 2 tuần trước mổ… Sau 5 giờ mổ, ê-kíp phẫu thuật đã sửa lỗi thành công cho bệnh nhi.
Theo BS Khánh, vẹo cột sống ngực thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi dậy thì do thời điểm này xương khớp phát triển nhanh. Đối với bệnh nhân vẹo cột sống, việc phát hiện sớm và theo dõi đúng chương trình là hết sức quan trọng. Lúc đó, BS sẽ hướng dẫn trẻ tập vật lý trị liệu, thể thao, giữ đúng tư thế sinh hoạt nhằm làm chậm diễn tiến bệnh. Ngoài ra, theo dõi tốt còn giúp cho việc chọn lựa thời gian phẫu thuật kịp thời, an toàn.
Một trường hợp bị vẹo cột sống
Một trường hợp khác cũng vừa được các BS BV Trưng Vương (TP HCM) can thiệp, giúp cao thêm 7 cm là cô bé L.N.Q (15 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang). Q. bị vẹo cột sống 3 khúc, vùng cong nặng nhất đến 110 độ (vẹo cột sống hội chứng Marfan). Ít ai biết rằng trong suốt nhiều năm, để che giấu khiếm khuyết thân thể, bé phải thường xuyên mặc áo khoác dày nhằm che đôi vai bên thấp bên cao và phần lưng nhấp nhô do vẹo. Qua đôi tay tài hoa của các BS, thiếu nữ này đã lấy lại được hình dáng, chiều cao từ 1,48 m tăng lên 1,55 m.
Theo GS-TS-BS Võ Văn Thành - Chủ tịch Hội Cột sống TP HCM, cố vấn đơn vị cột sống BV Trưng Vương - nếu không được phẫu thuật thì khi Q. qua tuổi 30, bệnh sẽ nặng thêm và cuộc sống khó kéo dài.
Hồi sinh nhiều số phận
Lớn lên trong sự nghèo khó và mặc cảm bởi bị hô nặng (không thể khép miệng lại), Ng.Tr.H.Ng (23 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) không tìm được việc làm để nuôi sống bản thân và bà ngoại đã cao tuổi.
Với khao khát thay đổi số phận, Ng. đã gửi thư về BV Thẩm mỹ JW (TP HCM) nhờ giúp đỡ. Cô như được hồi sinh sau khi được TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW TP HCM, cùng đồng sự phẫu thuật tái tạo khuôn mặt, thay đổi ngoại hình.
Sau khi cắt hàm, chỉnh lại khuôn mặt cân xứng, cải thiện khả năng ăn nhai và lấy lại vẻ đẹp thẩm mỹ, Ng. có được khuôn mặt mới, nụ cười tươi sáng, tự tin. Cuộc đời Ng. bước sang trang mới khi cô đã tìm được việc làm, có thể tự trang trải cho cuộc sống.
GS-TS-BS Võ Văn Thành cho biết ông từng cứu một nữ sinh viên sau khi đã sang Singapore điều trị nhưng không thành công. Cô gái này bị vẹo cột sống do sẹo co rút hiếm gặp, chưa được y văn thế giới ghi nhận. Gia đình đã đưa cô đi khắp nơi, kể cả sang các nước có nền y tế phát triển để điều trị nhưng tình trạng vẹo cột sống không tiến triển. Đến khi gặp BS Thành, cô gái đã "hồi sinh" thần kỳ sau 18 năm sống cảnh đau đớn vì co rút cột sống.
Tính đến nay, ở Việt Nam đã có 7 trường hợp vẹo cột sống do sẹo rút. Cả 7 trường hợp này đều được BS Thành và ê-kíp phẫu thuật thực hiện thành công.
Nữ mắc nhiều hơn nam
Theo BS Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống BV Trưng Vương, bệnh vẹo cột sống hội chứng Marfan đa số đều không rõ nguyên nhân, trong đó nữ mắc nhiều hơn nam. Vẹo cột sống được phát hiện sớm nhất khi khám sức khỏe học đường. Tùy vào tình trạng vẹo mà BS có hướng điều trị phù hợp.
BS Nguyễn Hòa Khánh cho biết vẹo cột sống gặp khoảng 3% ở trẻ em. Trong đó, vẹo cột sống vô căn (không rõ nguyên nhân, bệnh do nhiều yếu tố tác động) chiếm khoảng 90% và thường gặp ở trẻ nữ (10 nữ/1 nam). Trẻ trong độ tuổi dậy thì bị vẹo cột sống ngày càng nhiều. Chỉ riêng tại BV Chấn thương Chỉnh hình, hiện mỗi tuần đã phẫu thuật cho khoảng 2-3 trường hợp vẹo cột sống.
Bình luận (0)