Tập yoga giúp tâm trí thanh thản, cơ thể khỏe mạnh, trẻ hóa, người mập thon gọn lại, người gầy thì đầy đặn hơn và còn có thể hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh như đau cột sống, suy giãn tĩnh mạch, trầm cảm… Vậy tại sao có những người tập lâu năm, cơ thể rất dẻo, hầu như làm được rất nhiều tư thế khó mà tại sao bụng vẫn to, gương mặt ngày càng già nua, kém thanh thoát, trong đó có cả giáo viên dạy yoga?
Tôi tin rằng người tập yoga đúng phương pháp và mục tiêu sẽ có vòng 2 thon gọn, cơ thể cân đối (dù cao hay thấp). Vậy tập như thế nào là đúng để đạt bụng nhỏ eo thon và cơ thể thanh thoát, tràn đầy năng lượng? Có 4 vấn đề cần lưu ý và tuân thủ:
Mục đích tập yoga
Bạn hãy xem lại mục đích ban đầu khi bạn đến với yoga là gì? Yoga là môn khoa học hợp nhất thân, tâm; hợp nhất con người với xã hội, là con đường hướng đến sự giải thoát cho tâm trí. Mọi hành động, hoạt động của yoga đều dựa trên nền tảng là giá trị đạo đức cốt lõi trong đối nhân xử thế và kỷ luật của bản thân (hay còn gọi là Yama và Nijama trong yoga). Nếu bạn bỏ qua điều này, tập lâu đến đâu, tập nâng cao mấy đi nữa cũng không mang lại kết quả như mong đợi.
Hơi thở
Yếu tố quan trọng trong yoga là hơi thở. Hít thở cơ bản trong yoga là sử dụng cơ hoành. Nói ngắn gọn là hít vào đưa hơi sâu xuống đáy phổi, đẩy cơ quan nội tạng xuống làm bụng phình lên; thở ra bụng hóp sát lại, siết bụng khi thở. Nhịp thở dài hơn nhịp hít càng tốt. Lợi ích cơ bản đạt được khi hít thở chậm đều bằng mũi và cơ hoành là tâm trí lắng dịu, hệ thần kinh được thư giãn; tim mạch được điều hòa; nội tạng được cung cấp đầy đủ dưỡng khí giúp cơ thể bạn tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, hít sâu, thở chậm sẽ giúp mỡ thừa chuyển hóa, đào thải ra ngoài và tạo cho cơ bụng săn chắc. Nhiều người khi tập yoga chỉ mãi tập trung đúng thế, uốn dẻo cơ thể mà quên chú ý và kiểm soát hơi thở, không thở ráng sức và siết cơ bụng thì sẽ không đạt được sự thon gọn vòng 2.
Tập yoga đúng cách mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và dung mạo tươi trẻ Ảnh: HỮU HỘI
Kiểm soát cơ thể
Nhiều người khi tập yoga, khi vào các tư thế khó đòi hỏi phải dùng sức và lực để ép dẻo cơ thể mà không chú ý vấn đề hít thở chậm, đều và thả lỏng những vùng cơ không cần thiết trong từng tư thế dẫn đến căng thẳng, đặc biệt là trên gương mặt. Tập lâu ngày như vậy, gương mặt không những không trẻ trung mà ngược lại còn già đi. Do vậy, khi tập yoga, lúc nào bạn cũng phải nhớ kiểm soát toàn bộ cơ thể và điều khiển được hơi thở của mình. Có như vậy thì hệ cơ được thả lỏng và dưỡng khí (máu và ôxy) mới đưa được đến mọi ngóc ngách trên cơ thể. Đây là yếu tố quan trọng để cơ thể, làn da được trẻ hóa.
Ăn uống
Nhiều chị em than thở tìm đến yoga để giảm cân nhưng càng tập càng mập. Hỏi ra mới biết sau giờ tập, các chị rủ nhau nạp năng lượng ở các quán trà sữa, quán ốc, quán bún... Ăn uống là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất đến sức khỏe và vóc dáng một người. Nếu bạn ăn uống không khoa học thì dù có tập yoga hay bất kỳ bộ môn nào khác cũng không thể có được sức khỏe và thân hình cân đối.
Hãy luôn nhớ các nguyên tắc cơ bản trong ăn uống: Vận động ít thì ăn ít; không ăn khi chưa đói; hạn chế ăn đêm, hay ăn nhiều đường, tinh bột, thức ăn chế biến sẵn... Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây; chỉ ăn khi đói,... Và một điều hết sức quan trọng là không ăn ngay sau khi vừa tan lớp yoga. Sau khi tập yoga xong (nghĩa là bạn đã vừa tái nạp năng lượng cho cơ thể thông qua quá trình thư giãn cuối giờ), để bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cần thiết, bạn có thể uống 1 ly nước ép, ly sữa thay vì nạp rất nhiều năng lượng dư thừa không cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Yama - mối quan hệ cá nhân với xã hội
1. Không làm hại (Ahimsa): Mỗi hành động làm ra không được có ý định gây hại cho bất cứ người nào hoặc vật gì bằng tư tưởng, lời nói hoặc hành động.
2. Chân thật có từ tâm (Satya): Hướng dẫn các tư tưởng, lời nói, hành động của mình với tinh thần phúc lợi.
3. Không trộm cắp (Asteya): Không được lấy hoặc suy tính lấy bất cứ vật gì thuộc quyền sở hữu của người khác. Trong nỗ lực đạt được sự cân bằng đích thực trong quan hệ với người khác, tư tưởng trộm cắp cũng xấu xa không kém hành động trộm cắp.
4. Cuộc sống điều độ (Aparigraha): Không được dùng những tiện nghi của cuộc sống quá mức cần thiết cho việc giữ gìn bản thân. Không chạy theo những thói quen sống xa hoa lãng phí, cả về vật chất lẫn sinh lý.
5. Yêu thương vạn vật (Brahmacarya): Mở rộng tâm trí để thấy cái lớn lao và sâu thẳm của vạn vật.
Niyama - hội nhập cá nhân
1. Trong sạch (Shaoca): Gìn giữ sự trong sạch về thể chất, tinh thần và cả môi trường sống. Một cơ thể và môi trường trong sạch có tác dụng tích cực lên tâm trí. Một cơ thể cường tráng, lành mạnh nhờ vận động các tư thế Asanas và theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý; một tư tưởng vị tha, nhân ái là cách để loại bỏ những điều làm hại cho tâm trí.
2. Tinh thần mãn nguyện (Santosa): Hãy cố gắng tối đa để tiến bộ trong cuộc nhưng cần giữ trạng thái hài lòng với gì đang có để duy trì được sự cân bằng về tâm trí.
3. Giúp đỡ người khác (Tapah): Nếu chỉ nghĩ về mình thì sẽ làm cho tâm mình hẹp hòi, ích kỷ. Giúp đỡ người khác sẽ làm cho tâm mình rộng mở và vị tha và sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tapah còn bao hàm cả về ý thức bảo vệ môi trường.
4. Trau dồi kiến thức (Svadhyaya): Việc này sẽ giúp con người nhanh chóng đạt được sự tiến bộ trong cuộc sống.
5. Luyện tập đều đặn (Iishvara Pranidhana): Luyện tập thường xuyên các bài đã được học, qua đó sẽ giúp con người duy trì và phát triển những khả năng của mình.
Bình luận (0)