Có thu nhập ổn định
Đến căn nhà chị Tú nằm ngay thị trấn Thới Lai những ngày giáp Tết có rất nhiều hoa, kiểng, chậu được bày bán trong căn nhà cất tạm. Chị Tú chia sẻ: "Sau khi bệnh viện (BV) bồi thường 375 triệu đồng, vợ chồng tôi dùng vào việc trả nợ, chuộc 1,5 công đất ruộng, cất căn nhà tạm hết 30 triệu đồng; còn lại đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng để lo cho 3 đứa nhỏ ăn học".
Căn nhà tạm được anh Trí xây dùng làm nơi bán chậu và hoa, kiểng, chim
Trong căn nhà tạm bằng mái tôn rộng khoảng 100 m2 (sát bên ngôi nhà cũ) chất đầy chậu kiểng đủ kích cỡ do anh Nguyễn Thiện Trí (chồng chị Tú) làm để bán trong dịp Tết. Theo lời anh Trí, căn nhà tạm cũng do anh và mấy đứa con tự xây cất, chỉ tốn tiền mua vật liệu. Phía trước anh để hoa, kiểng và chậu bán, còn phía sau dùng làm một phòng ngủ cho vợ. Ngôi nhà tạm có gác phía trên là nơi ngủ của các con.
Chị Tú “có da có thịt” hơn trước do ăn uống tốt và tinh thần thoải mái
"May mắn một điều là Tú không bị bệnh nặng, chỉ có điều hay ho. Tú ghép thận phải uống thuốc suốt đời, chế độ dinh dưỡng phải hơn người thường. Nhưng Tú vẫn giúp tôi phụ bán kiểng và chậu, làm mấy việc lặt vặt", anh Trí tâm sự.
Vợ chồng chị Tú chỉ mong mình có sức khoẻ để lo cho các con
Có lẽ do được chồng chăm sóc tốt nên nhìn chị Tú "có da có thịt" hơn. Hiện nay, chị Tú nặng 41 kg, tăng 2 kg so với trước, có bữa chị ăn được 3 chén cơm. "Tuy anh Trí cũng hay mua cá, thịt nhưng tôi thích ăn rau hơn. Chắc do tinh thần vui vẻ nên ăn gì cũng thấy ngon", chị Tú bày tỏ.
Anh Trí làm chậu kiểng bán Tết
Với số tiền trên, anh Trí cũng chi vài chục triệu đồng để mua vật liệu về làm chậu. Trong dịp Tết này, anh làm khoảng 200 chậu kiểng lớn, nhỏ với giá bán từ 200.0000 - 500.000 đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua máy cắt sắt để có thêm thu nhập. Anh Trí nói: "Do bà con thấy hoàn cảnh mình khó khăn nên họ cũng mua giúp. Thu nhập bình quân mỗi ngày của gia đình cũng hơn 200.000 đồng".
Mong có sức khỏe để lo cho con
"Tú bị cắt nhầm 2 quả thận vào năm 2011, rồi chúng tôi theo đuổi vụ kiện từ năm 2013 đến năm 2018 mới thắng kiện. Trong khoảng thời gian này rất khó khăn cho gia đình, đặc biệt là các con còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học. Lúc này tôi là lao động chính trong nhà nhưng phải đưa vợ đi ghép thận. Rồi khi ghép thận xong về nhà lại liên tục đưa vợ đi BV, tiền bạc phải đi vay mượn nên có tiền đâu mua sắm Tết, mua quần áo mới cho các con", anh Trí bùi ngùi.
Mỗi ngày thu nhập của gia đình anh Trí hơn 200.000 đồng
Nhưng giờ mọi chuyện đã qua đi, người chồng này đã có công việc ổn định tại nhà vừa làm, vừa lo cho vợ. Ba đứa con của anh Trí là Nguyễn Minh Thiện, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Minh Toàn đều được học hành đàng hoàng. Trong đó, Thiện vừa tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh. Còn Tâm đang theo học sư phạm toán nhưng do vấn đề sức khỏe phải nghỉ ở nhà một thời gian. Tâm từng là người được bạn đọc Báo Người Lao Động hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng trong 2 năm học lớp 11 và 12. Toàn đang học lớp 11 nhưng cũng biết phụ cha làm chậu kiểng.
Anh Trí đầu tư máy cắt sắt kiếm thêm thu nhập
Chị Tú nói: "Mỗi tháng tôi lên BV khám và lấy thuốc uống, do có bảo hiểm nên không tốn tiền. Tuy không làm việc nặng được nhưng tôi phụ chồng việc buôn bán chậu và hoa, kiểng. Chỉ mong anh Trí có sức khỏe tốt để mần ăn, chứ dạo này ảnh cũng hay bệnh".
Chị Tú phụ chồng bán hoa, kiểng trong dịp Tết
Khi nghe lời tâm sự của vợ, anh Trí cũng rưng rưng: "Tôi cũng mong vợ mình có sức khỏe, là nguồn động viên lớn cho tôi làm việc để kiếm tiền lo cho các con. Cháu Thiện bây giờ đã ra trường, đang chờ xin việc. Từ lúc Thiện đi học cao đẳng, nó tự đi làm thêm kiếm tiền ăn học, ít khi xin tiền gia đình. Giờ chỉ lo cho 2 đứa còn lại".
Bên mâm cơm quây quần, tiếng nói cười của gia đình này làm chúng tôi cũng vui lây, đúng như câu nói mà anh Trí chia sẻ: "6 năm theo đuổi vụ kiện thì Tết năm nay gia đình tôi mới hưởng một cái Tết trọn vẹn".
Bữa cơm quây quần bên nhau của gia đình chị Tú
Từng là người trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Tú trong vụ kiện, luật sư Lê Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật Công Bình - TP HCM) cho biết ông thấy rất vui vì gia đình này có cuộc sống ổn định như hiện nay. Luật sư Vũ bày tỏ: "Qua 5 năm đồng hành cùng thân chủ tham gia vụ kiện, thời gian kéo dài, đường xá xa xôi không làm tôi lo ngại cho bằng vụ kiện phải để tòa án tuyên xử bên thắng, bên thua. Tôi đã nhiều lần giải thích, thuyết phục thân chủ đưa ra các yêu cầu khởi kiện ở mức tối thiểu để tạo cơ hội hòa giải. Cuối cùng vụ án cũng kết thúc tốt đẹp, tôi chúc mừng gia đình anh Trí, chị Tú đã có cuộc sống an vui như hiện nay".
Diễn biến vụ việc
Ngày 1-12-2011, chị Tú bị đau vùng bụng nên đến một BV ở Cần Thơ để khám. Kết quả chụp CT của BV cho thấy thận phải của chị Tú tốt, còn thận trái ứ nước độ III-IV, có sạn buộc phải mổ. Ngày 6-12-2011, chị Tú được chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Trong quá trình mổ đã xảy ra tai biến nên bác sĩ chuyển sang mổ hở và cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân này. Những ngày sau đó, bệnh nhân Tú bị biến chứng phù nề, tình trạng sức khỏe xấu đi nên đi siêu âm thì tá hỏa khi phát hiện không còn quả thận nào. Vụ việc được báo chí phản ánh và Bộ Y tế đã vào cuộc. Sau đó, chị Tú được chuyển ra BV Trung ương Huế tiếp tục điều trị và được ghép một quả thận. Kết luận của Viện Pháp y quốc gia cho thấy mặc dù được ghép một quả thận nhưng sức khỏe của chị Tú suy giảm đến 81%. Chị Tú chính thức khởi kiện BV vào năm 2013.
Năm 2017, TAND quận Ninh Kiều xử sơ thẩm buộc BV bồi thường 1 lần cho chị Tú 300 triệu đồng và hằng tháng 5,8 triệu đồng nhưng BV đã kháng án. Vào tháng 7-2018, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm và tuyên BV bồi thường 1 lần cho chị Tú 375 triệu đồng và chăm sóc y tế suốt đời cho bệnh nhân này.
Bình luận (0)