Đến ngày 9-7, tức sau khoảng 6 tuần điều trị, cháu bé đã hồi phục rất tốt và vừa được xuất viện. Các vạt cân cơ (tổ chức nằm giữa lớp mỡ và lớp cơ) và vạt da đều sống rất tốt trên vị trí mới.
Theo lời kể của gia đình, cháu bé xõa tóc khi chơi gần người mẹ đang sử dụng máy cưa đá. Không may, mái tóc dài của bé đã bị cuốn vào dây curoa của máy cưa, làm lột hơn phân nửa da đầu. Gia đình đã chuyển bé đến cơ sở y tế địa phương ở Cà Mau. Sau đó, bé được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào ngày 17-5.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh đang kể lại ca bệnh
Các bác sĩ đã tiến hành vi phẫu "chuyển vạt tự do", nhằm chuyển vạt cân cơ và nhiều mảng da từ vùng đùi để tái tạo lại vùng đầu cho bé. Các động mạch nuôi cân cơ và da đùi được nối với động mạch thái dương để các tổ chức mô mới sống được trên nền sọ.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Diệp Quế Trinh, Phó khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật chuyển vạt tự do để cứu bệnh nhi bị lột da đầu.
Trước đây, các ca bệnh tương tự được áp dụng các phương pháp nhằm kích thích vùng da đầu tự lành. Tuy nhiên, cách làm này phải mất nhiều tháng mới có thể hồi phục. Kỹ thuật mới này giúp giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Cháu bé cũng hạn chế được chấn thương tâm lý do sớm hồi phục.
Bé gái sau 6 tuần điều trị (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1 cung cấp)
"Cháu bé rất vui vẻ khi xuất viện. Bé rất lạc quan và nghe lời bác sĩ" - bác sĩ Trinh chia sẻ. Bé sẽ tiếp tục được đặt túi giãn da ở vùng da đầu thật còn lại, để tương lai có thể thay da đầu thật vào vùng vừa ghép, bé có thể mọc tóc trở lại.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh khuyến cáo trong các tình huống tai nạn tương tự, người thân nên dùng khăn sạch để che đậy vết thương và chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không nên cố gắng tự lau rửa.
Bình luận (0)