Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), nhấn mạnh như trên tại buổi lễ ra mắt ngân hàng huyết thanh sáng 17-8.
Lãnh đạo TP HCM cùng ngành y tế TP và các đơn vị cắt băng khánh thành ngân hàng huyết thanh
Theo ông Tâm, ngân hàng huyết thanh ra đời sẽ tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu chính. Cụ thể: Dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch; đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng; đánh giá hiệu quả một số biện pháp can thiệp và khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.
ThS Lưu Thị Phương Trinh, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm - HCDC, giới thiệu về ngân hàng huyết thanh
Ông Tâm cho biết để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho ngân hàng, có bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng các mẫu phục vụ các mục tiêu khác nhau trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, HCDC sẽ xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra định hướng cho những quyết định y tế công cộng.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, cho biết ngân hàng huyết thanh được đầu tư trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ nhân sự chất lượng
Ngân hàng huyết thanh được trang bị 5 tủ âm sâu, 3 máy ly tâm lạnh cùng các trang thiết bị và đội ngũ nhân sự đáp ứng cho việc thu thập, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu. Công suất lưu trữ ở đây khoảng 400.000 - 450.000 mẫu.
Ngân hàng huyết thanh lưu trữ mẫu nhiều loại dịch bệnh như sốt xuất huyết; COVID-19; tay chân miệng, HIV...
Theo ông Tâm, các hoạt động giám sát tác nhân gây bệnh thông qua xét nghiêm huyết thanh đã được HCDC triển khai với những quy mô khác nhau, như giám sát trọng điểm HIV; sốt xuất huyết Dengue; sốt phát ban nghi sởi – rubella; bệnh do virus Zika... từ nhiều năm trước.
Ngân hàng huyết thanh có tủ âm sâu bảo quản, lưu trữ mẫu
Năm 2022, để đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, HCDC đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện 3 đợt khảo sát nhằm thu thập các mẫu huyết thanh từ những mẫu máu xét nghiệm đã thực hiện tại các bệnh viện. Kết quả cho thấy tỉ lệ lưu hành kháng thể SARS-CoV-2 trên người dân TP cao đồng đều; tỉ lệ dân số đã có kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở các nhóm trên 5 tuổi đều trên 90%, thấp nhất là nhóm dưới 5 tuổi cũng đạt trên 70%.
Nhân viên đang xử lý mẫu
"Việc thu thập mẫu theo một phương pháp chọn lọc và lưu trữ mẫu huyết thanh còn lại từ các mẫu máu đã tiến hành xét nghiệm tại những cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ việc giám sát miễn dịch học các bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn khả khi, thuận tiện và mang tính khoa học cao" – ông Tâm nhận định.
Ông Tâm cho biết trước mắt, HCDC sẽ khai thác nguồn mẫu từ ngân hàng huyết thanh để đánh giá miễn dịch đối với bệnh sởi, tay chân miệng, qua đó dự báo nguy cơ dịch tại TP. Trong tương lai, sẽ tiếp tục mở rộng nguồn mẫu và đa dạng hóa các loại mẫu để đáp ứng nhu cầu chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và hướng đến kiểm soát các bệnh tật khác.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng việc thành lập ngân hàng huyết thanh sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Đây là niềm vui chung cho mọi người, đặc biệt là ngành y tế.
Theo ông Dương Anh Đức, TP HCM là đô thị lớn. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe của người dân rất quan trọng, luôn là một trong những vấn đề được lãnh đạo TP quan tâm. TP HCM đang xây dựng Đề án phát triển y tế thực hiện chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao HCDC.
Một trong những trọng tâm của TP HCM là phát triển HCDC trở thành đơn vị xứng tầm, bám theo mô hình của các CDC tiên tiến trên thế giới. Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ này, HCDC cần củng cố năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị...; hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển hơn trong tương lai.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ những thập niên đầu thế kỷ XX, những cuộc điều tra sự lưu hành kháng thể chống lại một số bệnh truyền nhiễm được thực hiện ở một số quốc gia đã chứng minh tính hữu ích, đặc biệt trong những vùng mà việc báo cáo tình hình mắc, tử vong không đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc thu thập huyết thanh dùng trong xét nghiệm sinh hóa, huyết học, di truyền cũng được tận dụng để đánh giá nguy cơ các bệnh truyền nhiễm. Đến năm 1960-1961, WHO đã thành lập 3 ngân hàng huyết thanh tại Mỹ, Tiệp Khắc và Nam Phi
Từ đó đến nay, nhiều ngân hàng huyết thanh được thành lập tại một số quốc gia và đã có những ứng dụng hữu ích cho y tế công cộng.
Bình luận (0)