Sự vận động ở tuổi chập chững biết đi sẽ tác động mạnh lên xương khiến cho xương to, dày và chắc khỏe hơn xương của các trẻ kém hoạt động. Chính những trẻ ít hoạt động vào lúc nhỏ rất dễ có nguy cơ loãng xương và gãy xương khi lớn tuổi.
Các nhà khoa học tại Đại học Manchester Metropolitan và Đại học Bristol cho biết trẻ hoạt động sớm thì sau này sẽ năng động về thể chất hơn. Các trẻ có khối cơ lớn hơn sẽ có hoạt động thể chất nhiều hơn. Càng hoạt động thì khối cơ càng mạnh, tạo lực lớn hơn trên xương khi trẻ đi, chạy và nhảy. Kết quả là xương ngày càng chắc khỏe.
Trẻ sinh non, nhẹ cân thì xương sau này sẽ ra sao? Một trong những quá trình quan trọng xảy ra trong vài tuần cuối của thai kỳ là sự vận chuyển canxi vào phôi thai để phát triển xương. Điều gì sẽ xảy ra khi sự vận chuyển này bị dừng lại do trẻ sinh non?
Câu trả lời là khối xương sẽ giảm vào lúc tuổi trưởng thành so với trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, trẻ vào tuổi trưởng thành dù sinh đủ tháng nhưng nhẹ ký so với tuổi thai thì cũng có khối xương thấp. Những hiểu biết này rất quan trọng vì khối xương đạt được vào lúc trưởng thành là một chỉ số quan trọng để tiên lượng bệnh loãng xương sau này.
Theo TS-BS Chandima Balasuriya tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, trẻ sinh non có trọng lượng rất thấp và trẻ sinh đủ tháng nhưng nhẹ cân so với tuổi thai sẽ có khối xương thấp hơn trẻ sinh đủ tháng có trọng lượng bình thường.
Cùng công tác tại đại học trên, GS Unni Syversen khảo sát 188 thanh niên từ 26 đến 28 tuổi. Họ được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 (52 người) có cân nặng lúc sinh rất thấp, trung bình 1,2 kg và tuổi thai trung bình là 29 tuần. Nhóm 2 (59 người) sinh đủ tháng nhưng nhỏ so với tuổi thai, cân nặng trung bình lúc sinh là dưới 3 kg. Nhóm 3 (77 người) sinh đủ tháng với trọng lượng bình thường.
Các nhà nghiên cứu đo nồng độ khoáng trong xương và độ đậm đặc của xương cột sống, xương hông…, xem xét chiều cao và cân nặng hiện tại, tình trạng hút thuốc, hoạt động thể chất… Kết quả, khối xương ở nhóm 3 là cao nhất, kế đến là nhóm 2. Nhóm 1 có khối xương thấp nhất.
Từ kết quả nghiên cứu trên, cha mẹ và thầy thuốc sẽ giúp các trẻ khi sinh ra có trọng lượng thấp hay sinh non chăm sóc khối xương tốt hơn khi lớn lên bằng chế độ ăn giàu protein, canxi, vitamin D, đồng thời luyện tập thể chất (các môn thể thao chịu tải nặng) để phòng ngừa loãng xương và gãy xương về sau này.
Bình luận (0)