Ngày 14-9, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM đưa vào hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, thuộc Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế.
Hai ca bệnh khó từ 2 bệnh viện (BV) tuyến dưới được hội chẩn trực tiếp với BV Đại học Y Dược trong sáng 14-9 là 1 ca mắc bệnh về phổi khó điều trị (BV Thiện Hạnh, tỉnh Đắk Lắk) và 1 ca bệnh về thần kinh tiền sử bị tai biến nhồi máu não (BV tỉnh Đồng Tháp).
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Hai ca bệnh nói trên đang khiến các bác sĩ ở địa phương gặp khó khăn do chưa tìm ra giải pháp chữa trị tận gốc, dự tính chuyển tuyến. Tại đầu cầu BV Đại học Y Dược, PGS-TS-BS Lê Tiến Dũng - Trưởng Khoa Hô hấp và TS-BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Khoa Thần kinh, cùng hội đồng các y, bác sĩ 2 lĩnh vực chuyên môn đã trao đổi, tư vấn, đồng thời đưa ra giải pháp xử lý, hướng điều trị mới cho 2 bệnh nhân này.
Các công đoạn về lâm sàng, truyền hình ảnh phim cắt lớp vi tính, dữ liệu hình ảnh thăm dò chức năng và chẩn đoán… được tuyền trực tuyến để cùng hội chẩn, đánh giá (hội chẩn này còn kết nối 152 điểm cầu với các BV tuyến dưới tại 22 tỉnh, thành qua cầu truyền hình).
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM hội chẩn trực tuyến ca bệnh khó chữa trị tại tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp
PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược, cho biết việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh là định hướng chiến lược của Bộ Y tế. Mục tiêu của khám chữa bệnh từ xa là giúp tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục, mọi người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên. Ngoài giảm tải tuyến trên, thông qua hoạt động này, người bệnh sẽ được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Khám chữa bệnh từ xa cũng là 1 nhiệm vụ trọng tâm của BV Đại học Y Dược.
PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đánh giá cao nỗ lực của BV Đại học Y Dược trong những năm qua về công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới. Ông tin tưởng rằng nơi đây tiếp tục sẽ là địa chỉ tin cậy giúp đỡ cho các BV tuyến dưới truyền đạt, chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Tuy vậy, ông Khuê cũng cho rằng không phải hễ gặp 1 ca bệnh nào hơi khó thì tuyến dưới nối máy hội chẩn với tuyến trên ngay. Đối với một ca bệnh khó, các BV tuyến dưới phải thực hiện tốt nhất việc điều trị (hội chẩn chuyên khoa, liên chuyên khoa, liên viện cùng tuyến). Khi nào thật khó, "bó tay" thì mới hỏi tuyến trên.
Thu hẹp khoảng cách về trình độ
Ngoài BV Đại học Y Dược, hiện nay tại khu vực phía Nam, nhiều BV cũng đã triển khai hội chẩn từ xa. Mới đây, BV Răng Hàm Mặt trung ương TP HCM đã thực hiện chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên hệ thống Telehealth.
BS Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt trung ương TP HCM, cho biết có 3 đơn vị tham dự hội chẩn trực tiếp là Khoa Răng Hàm Mặt của BV Quân y 175 - Bộ Quốc phòng, BV Đa khoa tỉnh Gia Lai, BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và 4 Khoa Răng Hàm Mặt dự thính là BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, BV Đa khoa Trung tâm An Giang, BV Đa khoa tỉnh Long An. Bốn ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn với các chuyên gia BV Răng Hàm Mặt trung ương TP HCM để có hướng điều trị phù hợp.
Theo BS Lê Trung Chánh, tại buổi hội chẩn, các bác sĩ đã đánh giá cao giá trị thực tiễn của hình thức hội chẩn trực tuyến. Các câu hỏi đặt ra là những vấn đề rất thiết thực trong thực hành lâm sàng hằng ngày. Điều này mang lại hiệu quả cao đối với các tại BV tuyến dưới và cũng là cơ hội cho các bác sĩ cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, kiến thức mới, học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế không những trong hệ thống công lập mà còn cả ở hệ thống y tế tư nhân.
"Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nền tảng tư vấn, hội chẩn trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa là một công cụ hỗ trợ thích hợp, giúp thu hẹp trình độ chuyên môn giữa các BV tuyến trung ương và tuyến dưới. Dù không thể thay thế tuyệt đối nhưng là một cầu nối, một giải pháp phù hợp cho việc chuyển giao kỹ thuật theo phân tuyến, góp phần giảm tỉ lệ chuyển tuyến, tái khám của người bệnh" - BS Lê Trung Chánh nhận xét.
Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho thầy thuốc
Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng GIám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, cho hay trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chẩn đoán hình ảnh, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử các bệnh án trước đó.
Bình luận (0)