Cảnh báo này được các chuyên gia đột quỵ đưa ra sáng 14-10 tại hội nghị Đột quỵ Quốc tế TP HCM lần 3 do Hội Đột quỵ TP HCM tổ chức và kéo dài tới ngày mai.
Hội nghị đã thu hút 500 bác sĩ đang làm việc trong lĩnh vực điều trị đột quỵ tại TP HCM và các tỉnh thành tham gia. Với hàng trăm đề tài của các chuyên gia hàng đầu về thần kinh, đột quỵ trong nước và đến từ nước ngoài như Pháp, Úc, Canada, Singapore…, nhiều bác sĩ đã được cập nhật kiến thức mới, thuốc thế hệ mới... trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ.
Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, cứ 6 người khỏe mạnh sẽ có 1 người bị đột quỵ trong tương lai.
Một khi đã mắc bệnh thì trung bình cứ 10 người bị đột quỵ thì 2 người sẽ tử vong, 5 người bị tàn phế, chỉ có 3 người có thể trở lại cuộc sống bình thường sau đột quỵ.
Đột quỵ là một gánh nặng về sức khỏe cho chính bệnh nhân và gánh nặng tài chính cho gia đình. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý nói chung.
Hiện ở TP HCM chỉ có một vài bệnh viện có thể điều trị đột quỵ cấp. Khi phát hiện người đột quỵ, người xung quanh cần đưa nạn nhân bị đột quỵ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt.
"Nên nhớ rằng tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng cách cho bệnh nhân, như cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng… vì những việc làm này hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân và làm chậm thời gian cấp cứu" - BS Thắng, lưu ý.
Dịp này, lần đầu tiên tại Việt Nam, chương trình Angels (xây dựng và phát triển mạng lưới điều trị đột quỵ cấp trên toàn cầu) cũng được triển khai.
Chương trình này được thực hiện tại Châu Âu từ năm 2015 dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Đột quỵ thế giới và Tổ chức đột quỵ Châu Âu (do Công ty Boehringer Ingelheim - Đức hỗ trợ) nhằm cung cấp bộ công cụ cho các bác sĩ để nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ.
Bộ công cụ bao gồm: Túi cấp cứu đột quỵ, các quy trình chuẩn và các tài liệu huấn luyện cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tham gia trong quy trình điều trị đột quỵ.
Bình luận (0)