Với sự xuất hiện trở lại của chủng Enterovirus 71 (EV71) - loại virus từng gây dịch bệnh tay chân miệng (TCM) lớn trên cả nước vào năm 2011, làm 150 trẻ em tử vong cũng gây lo lắng cho cộng đồng.
Chưa nhiều nhưng hễ bị là rất nặng!
Trước sự chuyển biến của dịch bệnh, ngành y tế TP HCM đang nỗ lực phòng chống, nhất là kiểm soát từ trường học, những nơi phát bệnh. Ngày 28-9, Sở Y tế TP HCM đã đến kiểm tra Trường Mầm non phường 1, quận 10, nơi vừa phát hiện 2 ca mắc bệnh TCM. Ca đầu tiên phát hiện vào sáng 22-9; đến sáng 24-9, trường phát hiện thêm ca thứ hai, cùng tại lớp Mầm 3 (trẻ 4 tuổi). Sau khi cách ly, theo dõi, điều trị 2 trẻ, trường đã vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B với liều lượng gấp 10 lần tại lớp có bệnh.
Vệ sinh, rửa tay vẫn là biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hữu hiệu hiện nay
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, nhận xét trong 1 tháng qua, bệnh TCM tại TP tăng 47% so với tháng trước. Hiện toàn TP có 18.694 ca bệnh TCM, trong đó có 3.195 ca điều trị nội trú và 15.499 ca khám ngoại trú. Tháng 8 và tháng 9 hằng năm là thời điểm gia tăng số ca TCM theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch năm nay, chủng EV71 đã tái xuất - chủng virus này đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước vào năm 2011, làm hơn 150 trường hợp tử vong (riêng tại TP HCM có hơn 30 ca tử vong). Đây có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh tại các tỉnh thành trên cả nước những tuần gần đây.
Theo ông Dũng, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh, gần 60% ca bệnh TCM đang điều trị tại TP HCM được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên đang gia tăng áp lực cho các BV tuyến cuối như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, khuyến cáo thời điểm này thực tế số ca mắc TCM so với năm 2017 không nhiều nhưng số ca nặng tăng hơn và chủng virus cũng nguy hiểm hơn.
Độc lực virus biến đổi
Viện Pasteur TP HCM thống kê tại khu vực 20 tỉnh phía Nam, số ca mắc TCM trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 31% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Đã có 6 ca tử vong do TCM ở phía Nam (Tây Ninh 2 ca; Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi tỉnh 1 ca).
Lý giải nguyên nhân dịch TCM tăng cao và có thể gây nguy hiểm như năm 2011, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho rằng qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus EV71, chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của EV71 B5 sang C4. Đây cũng là chủng gien virus gây nên dịch bệnh TCM vào năm 2011.
Theo ông Lân, chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gien khác của EV71. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành trong cả nước những tuần gần đây.
Theo Sở Y tế, từ nhiều năm nay, phòng chống bệnh TCM là nội dung bắt buộc phải có trong kế hoạch phòng chống dịch chủ động hằng năm của TP và quận huyện, phường xã. Tại thời điểm này, các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh TCM cần được đặt lên hàng đầu tại các trường mầm non, nhóm trẻ.
"Các trường lắp thêm bồn rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp và sau khi rời trường, đồng thời phải nhắc nhở các cháu rửa tay thường xuyên; giữ sạch sẽ nền nhà, giường các cháu ngủ. Khi phát hiện có ca bệnh, trường phải phối hợp với cơ quan liên quan dập ngay. Cán bộ y tế, các giáo viên phải theo dõi thường xuyên phát hiện sớm trẻ sốt, nổi bóng nước để kịp thời cách ly và báo cho ngành y tế…" - ông Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu.
Sẽ có vắc-xin dập dịch?
Hiện đã có 2 loại vắc-xin EV71 của Viện Sinh học Y khoa tại Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc và Công ty dược Sinovac Biotech (Trung Quốc) đã được phê chuẩn và lưu hành tại thị trường Trung Quốc. Để được phép phát hành vắc-xin EV71 trên toàn thế giới, cần phải chứng minh khả năng ứng dụng đối với các chủng EV71 gây đại dịch khác nhau. Vì vậy, cần phải có thêm một thời gian sau khi các loại vắc-xin EV71 gia nhập thị trường. Mặt khác, vắc-xin EV71 bất hoạt hiện tại có thể bảo vệ chống lại EV71 nhưng không chống lại chủng CVA16, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh TCM. Do đó, cần nghiên cứu phát triển vắc-xin đa kháng hoặc vắc-xin EV71/CVA16 bao gồm cả các Enterovirus gây bệnh phổ biến khác.
Bình luận (0)