Có mặt ở chương trình "Cho đi là còn mãi" mới đây, ông Trần Tuấn (52 tuổi, ở Thừa Thiên - Huế, người may mắn thoát được "cửa tử" nhờ được ghép tim từ người cho) tâm sự nhiều tháng nay, ông vẫn mòn mỏi đi tìm những thông tin về người đã hiến tạng cho mình với mong muốn được chia sẻ sự biết ơn.
Người ghép tim khỏe mạnh sau 6 tháng tìm kiếm đã gặp được gia đình ân nhân
"Nhiều lần tôi dò hỏi bác sĩ và lên mạng xã hội tìm địa chỉ của gia đình người hiến trái tim cho mình nhưng chưa tìm được (theo quy định không công khai tên, địa chỉ người hiến và nhận tạng). Tôi không ngờ lần này gặp được vợ người hiến tạng. Nhất định chúng tôi sẽ đến Thái Bình thăm gia đình anh ấy" - ông Tuấn nói.
Những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên má, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ở Thái Bình) không ngờ khi có thể gặp được người nuôi dưỡng trái tim của chồng mình. "Tôi thật sự thỏa nguyện khi hôm nay được gặp chú Tuấn. Nhìn thấy chú Tuấn mạnh khoẻ, tôi rất xúc động. Tôi vẫn luôn nói với hai con rằng bố của chúng vẫn còn sống, sống trong cơ thể của một người khác. Khi con lớn, chắc rằng chúng sẽ tự hào về việc cha chúng đã làm. Để có thể kéo dài hơn sự sống của anh, tôi mong chú Tuấn cũng luôn khỏe mạnh để giữ gìn trái tim của bố bọn trẻ" - chị Hằng xúc động.
Chị Hằng xúc động khi gặp được người đang nuôi dưỡng trái tim của người chồng quá cố
Ở vùng quê Hưng Hà (Thái Bình) gia đình chị là gia đình đầu tiên quyết định hiến tặng mô tạng người thân. Thế nhưng sau khi tặng tim chồng cho người xa lạ, chị đối diện với những lời dị nghị, gièm pha của hàng xóm. Nhiều người đồn do chị nghèo quá nên phải bán tạng chồng lấy tiền. Bỏ qua những lời gièm pha ấy gia đình chị vẫn dõi theo sức khoẻ của những người được nhận tạng của chồng chị, bởi theo chị Hằng, khi quyết định hiến trái tim của chồng, gia đình chị chỉ nghĩ đơn giản đó là việc làm ý nghĩa. Một người khác sẽ được hồi sinh và chính trái tim của chồng vẫn còn đập.
Chị Hằng kể, chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Khiêm, là quân nhân giải ngũ về quê học nấu ăn, làm cách nhà 30 km. Ở tuổi 30, anh là lao động chính của cả gia đình. Anh trai bị thiểu năng, nhà còn bố mẹ già, vợ, hai con gái mới 2 tuổi và 4 tuổi. Giữa tháng 5, anh Khiêm không may bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu nhưng nhanh chóng rơi vào hôn mê rồi chết não. Khi được bác sĩ nói về việc hiến tặng mô tạng cho những bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối, chị Hằng đã điện thoại cho mẹ chồng.
Nén đau thương, trong chốc lát, những người thân yêu nhất của anh Khiêm đồng ý hiến tim, gan, thận và 2 giác mạc của con trai cho y học. Trái tim của anh Khiêm được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế, cứu sống ông Trần Tuấn vào ngày 18-5. Những mô tạng còn lại cũng được chuyển ghép cho 5 người xa lạ khác. Khi nhìn thấy thùng đựng tim của anh Khiêm chuyển đi Huế, cháu ruột anh thốt lên: "Lần đầu tiên cậu được đi máy bay!".
"Cách đây không lâu khi xem truyền hình có quay hình ảnh bệnh nhân ghép tim ở Huế hồi phục sức khoẻ, hàng xóm xem được có nói với mẹ chồng tôi. Đi làm về, tôi có tìm lại chương trình để xem, lúc ấy cả 2 mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Mẹ tôi nói: "Tim thằng Khiêm đó, ông ấy khoẻ lắm. Trái tim con trai tôi vẫn còn đập". "Tôi không ngờ có thể gặp người mang quả tim của chồng mình trong buổi gặp gỡ hôm nay. Nếu biết chú Tuấn có mặt trong buổi gặp gỡ hôm nay, tôi sẽ nhường mẹ chồng đến gặp. Mẹ là người sinh ra anh ấy, mẹ mong mỏi được gặp chú Tuấn hơn ai hết"- giọng chị Hằng nghẹn lại.
Chị Hằng nghẹn ngào khi nghe tâm sự của người đang mang trái tim của chồng chị - Ảnh: Hải Yến
Hồi sinh sau ca ghép tim, ông Trần Tuấn hiện khoẻ mạnh như một người bình thường. Ông cho biết bản thân bị bệnh suy tim 2 năm và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ từng dự định thay máy tạo nhịp nhân tạo cho ông nhưng không thành công, ông liên tục phải nhập viện. Tháng 4-2018, bác sĩ nói bệnh đã giai đoạn cuối, hy vọng duy nhất là chờ ghép tim.
Không quá nhiều hy vọng nhưng ông thực hiện các xét nghiệm và chờ có người cho tim để làm phẫu thuật. Sau nhiều lần thất vọng và sự sống cũng trở nên mong manh thì điều kỳ diệu đã đến, ông được ghép tim của anh Khiêm.
Xúc động ôm chặt người phụ nữ đã hiến tặng trái tim của chồng mình để cứu sống người dưng, ông Tuấn rưng rưng: "Dường như anh ấy đã dành trái tim cho tôi nên tôi đã hồi phục nhanh hơn rất nhiều. Chỉ 16 giờ sau ghép, tôi đã tỉnh, 28 ngày sau ghép, tôi được ra viện trong khi bình thường phải 2 tháng. Trái tim của anh Khiêm giờ đã nằm trong lồng ngực tôi. Tôi phải sống một nửa cho mình và một nửa cho gia đình anh. Hôm nay tôi cảm thấy sức khoẻ của mình gần như bình thường, chỉ có điều bác sĩ chưa cho phép tôi được đi xa, thế nhưng gặp được người thân của người đã hiến tặng cho tôi trái tim, nhất định tôi sẽ từ Huế đến Thái Bình trong một ngày gần nhất".
Ghép tạng là 1 trong 10 phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bộ Y tế, ngày nào trên khắp cả nước cũng có người chết não nhưng suốt 10 năm qua, chỉ có hơn 80 người chết não đăng ký hiến tạng. Trong năm 2017, cả nước ghép được 670 ca, số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Thiếu tạng ghép không chỉ là cản trở lớn cho sự phát triển của ngành ghép tạng mà còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn buôn bán tạng, buôn bán người.
Hiện nước đã có gần 20.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Đến thời điểm này đã có gần 3.400 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có hơn 3.200 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim… mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo. Năm 2018, từ sự kiện bé Hải Anh hiến tặng giác sau khi qua đời vì bệnh ung thư đã thay đổi mạnh mẽ quan điểm của nhiều người dân về việc hiến tạng sau khi qua đời.
Bình luận (0)