Sáng 14-8, rất nhiều bệnh nhân là nạn nhân của vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm đã quay lại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hoài Đức (Hà Nội) để khám lại. Đây cũng là lần đầu tiên 1 phòng khám được đặt tại Khoa Khám bệnh của BV với cái tên “Phòng khám miễn phí bệnh nhân có kết quả mà không làm xét nghiệm thực tế”. Tuy nhiên, khác với sự nhanh gọn của những lần khám trước, bệnh nhân phải chờ nhiều giờ, thậm chí sang ngày hôm sau mới nhận được kết quả xét nghiệm.
Bệnh nặng nhưng xét nghiệm bình thường
Ông Nguyễn Hữu Anh (45 tuổi) nhiều lần đi khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yên Sở được xác định đường huyết cao. Thế nhưng mấy tháng trước, xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức, kết quả hoàn toàn bình thường. “Tin tưởng BV tuyến huyện hơn tuyến xã nhưng nào ngờ người ta có thể làm chuyện thất đức như vậy. Bệnh tôi nhẹ còn đỡ chứ người bị nặng mà kết quả trên trời như vậy thì không hiểu hậu quả sẽ thế nào” - ông Hữu Anh bức xúc.
Cũng đến xét nghiệm lại tại BVĐK Hoài Đức, chị Nguyễn Thị Thu cho biết: “Mấy tháng trước, tôi 2 lần đi khám ở BV Đại học Y Hà Nội thì phát hiện chỉ số acid uric cao, được điều trị giúp giảm từ 608 xuống 487 nhưng về đây xét nghiệm kết quả lại bình thường (274). Nghe tin về vụ “nhân bản” giấy xét nghiệm, tôi giật mình, có khi tôi đang có xét nghiệm máu của trẻ con cũng nên. Nếu không có bác sĩ Hà Nội về khám cho những người bị nhận kết quả giả, tôi cũng không đến kiểm tra”.
Chưa khen thưởng người tố cáo
Theo ông Đoàn Thịnh Trường, Phó Giám đốc BVĐK Hoài Đức, vừa qua, BV đã được Sở Y tế điều động thêm nhân lực có chuyên môn nên bệnh nhân đã bớt lo và đến tái khám với khoảng 200 người/ngày thay vì vắng vẻ trong những ngày đầu.
Cũng trong sáng 14-8, Sở Y tế Hà Nội đã giao ban trực tuyến với các BV của ngành, trong đó rút kinh nghiệm về việc “nhân bản” xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc, sở đã chỉ đạo các BV kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động của mình, ở tất cả các khâu thuộc quản lý của BV chứ không chỉ riêng xét nghiệm. Sở Y tế Hà Nội cũng thành lập các đoàn kiểm tra do các phòng chuyên môn và thanh tra của sở chủ trì đi kiểm tra tại các BV này để kịp thời chấn chỉnh.
Về việc Thành ủy, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu Sở Y tế khen thưởng những người đứng ra tố cáo sai phạm, ông Hiền cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm, có những tình tiết vẫn chưa rõ ràng nên sẽ xin ý kiến lại với UBND TP. Tuy nhiên, ông Hiền khẳng định: “Với những người dũng cảm dám đứng lên tố cáo sai phạm thì xứng đáng được khen thưởng, những người này cũng sẽ được bảo vệ an toàn tuyệt đối”.
Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh sai sót chuyên môn Ngày 14-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý y tế trên địa bàn. Theo đó, đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các BV, đơn vị y tế, bảo hiểm y tế; các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa dịch vụ y tế; phát hiện, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngành y tế có sai phạm để xử lý nghiêm; tránh bao che, gây dư luận không tốt trong xã hội. |
Bình luận (0)