Với mục tiêu giám sát nguồn thực phẩm sạch từ đầu vào các địa phương khác trước khi đưa vào địa bàn TP HCM, trong 3 ngày từ 25 đến 27-8, đoàn công tác Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM do Trưởng ban Phạm Khánh Phong Lan dẫn đầu đã có buổi khảo sát làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, việc ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giữa tỉnh Lâm Đồng và TP HCM giai đoạn 217-2019 cũng đã được triển khai. Mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa Lâm Đồng và TP HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Lãnh đạo Ban Quản lý An toàn TP HCM khảo sát một vùng trồng rau sạch tại tỉnh Lâm Đồng
Ba cơ sở đủ điều kiện tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" tại Lâm Đồng được chọn lựa khảo sát là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (viết tắt là VinEco), Hợp tác xã Tân Tiến và Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trang trại VinEco, nhờ đang ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 20 đến 25 độ C nên ở đây quanh năm được thiên nhiên ưu ái cho việc trồng trọt. Trang trại kế hoạch đầu tư với diện tích 236 hecta trồng rau củ quả theo kỹ thuật cao trong 110 nhà kính, nhà lưới (mỗi nhà kính, nhà lưới khoảng 2,5-3 tỉ đồng). Hiện đã triển khai được 60 hecta trồng các loại rau củ quả sạch như cà chua, bắp cải, su hào. Quy trình sản xuất tại đây là tập trung khép kín từ chọn giống, gieo hạt, sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… nên khống chế được sâu bệnh, trồng được trái vụ. Mỗi ngày, VinEco cung cấp cho thị trường cả nước 100 tấn rau củ quả cả các loại và đang liên kết chuyển giao kỹ thuật với 1.000 hộ dân tại địa phương để thu thêm nguyên liệu đáp ứng nhu cầu.
Còn tại Hợp tác xã Tân Tiến, sản phẩm rau củ được sản xuất khép kín từ khâu ươm cây con cho tới đóng gói sau thu hoạch. Có hệ thống truy nguồn gốc và xuất xứ của từng loại sản phẩm ra quả rõ ràng từ người tiêu dùng đến thửa ruộng và truy xuất ngược lại…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay 70% sản lượng rau, 60% sản lượng hoa hiện nay vào TP HCM. Kế hoạch đặt ra là diện tích ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp của tỉnh phấn đấu đạt 25%, hiện mới chỉ 17%. Hiện nay 29 chuỗi rau, 17 chuỗi hoa an toàn theo VietGAP sản phẩm nông nghiệp an toàn được cung ứng cho TP HCM.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP, cho biết hiện nay 80% thực phẩm vào TP HCM nhập vào từ các tỉnh thành. Hiện nay tình trạng lạm dụng, trà trộn, đội lốt sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng nên TP quản lý khó khăn. Theo bà Lan, việc này cần chấm dứt và làm sao sản phẩm của người nông dân Lâm Đồng đến với TP vẫn còn nguyên giá trị. Mục tiêu các doanh nghiệp phải trách nhiệm hơn nữa về sản phẩm của mình. "Hơn hết là thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và toàn xã hội cùng hướng đến một nền sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững vì sức khỏe người dân Việt và tương lai cho thế hệ sau", bà Lan nhấn mạnh.
Bình luận (0)