Sau khi Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) ra phán quyết về việc UEFA và FIFA vi phạm luật cạnh tranh đồng thời yêu cầu hai tổ chức này dỡ bỏ các lệnh cấm liên quan đến European Super League (ESL), nhóm "ly khai" với hai thành viên chủ chốt Real Madrid và Barcelona vô cùng háo hức với viễn cảnh ESL được tái xuất với sự tham dự của gần 100 đội bóng nam, nữ trên khắp châu Âu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều đội bóng không còn mặn mà với ESL trong khi UEFA và FIFA đang hợp lực tìm cách đối phó với giải đấu mà họ ví là "ung nhọt" của bóng đá châu Âu.
ECJ cho rằng FIFA và UEFA đã "không minh bạch, khách quan và phân biệt đối xử" nhưng phán quyết của ECJ cũng không đồng nghĩa với việc một giải đấu như dự án Super League nhất thiết phải được chấp thuận.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết, diễn biến của vụ kiện ESL "không làm thay đổi bất cứ điều gì". Ông nói thêm: "Trong lịch sử, chúng tôi đã tổ chức những giải đấu hay nhất thế giới và điều này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai".
Người đứng đầu UEFA, Aleksander Ceferin, khẳng định: "Bóng đá không phải để bán. Tôi hy vọng nhóm ly khai biết họ đang làm gì nhưng tôi không chắc họ sẽ làm được.
UEFA sẽ không cố gắng ngăn chặn họ và họ có thể tạo ra bất cứ sự kiện gì như mong muốn. Tôi hy vọng họ bắt đầu giải đấu ấy càng sớm càng tốt… với hai câu lạc bộ!".
Một trong những đội bóng có nhiều fan nhất thế giới là Man United đã lập tức lên tiếng. Trang chủ CLB này đăng tải thông báo với nội dung: "Liên quan đến phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu về Super League, Man United thông báo như sau: Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi cam kết tham gia mọi giải đấu của UEFA và hợp tác tích cực trên mọi lĩnh vực với UEFA, Ngoại hạng Anh và Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu (ECA) trong sự phát triển chung của bóng đá châu Âu".
Từng đồng ý tham dự Super League từ đầu, Atletico Madrid cũng phát đi thông cáo: "ECA và UEFA là đối tác nên nói UEFA độc quyền tổ chức các giải đấu không còn đúng. Các CLB đồng ý tham gia liên minh này nhận được 50% doanh thu từ các nguồn tài trợ và bản quyền truyền hình.
Gia đình chung của bóng đá châu Âu không hoan nghênh Super League. Các đội bóng tại Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha (trừ Barcelona và Real Madrid) đều có mong muốn như vậy. Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ ngôi nhà chung của bóng đá châu Âu cũng như bảo vệ quyền lợi của các giải đấu trong nước, thông qua đó bảo vệ các suất dự cúp châu Âu như hiện tại".
Theo truyền thông Đức, hai đội bóng lớn là Bayern Munich và Dortmund đã lên tiếng phản đối ESL. Đội bóng xứ Bavaria cho biết: "Bundesliga là nền tảng của Bayern Munich. Chúng tôi toàn tâm ủng hộ các giải đấu cho các CLB của châu Âu do UEFA tổ chức". Còn đại diện lãnh đạo Dortmund, giám đốc điều hành Hans-Joachim Watzke phát biểu: "Dortmund sẽ không tham dự ESL, đó là điều chắc chắn. Chúng tôi sẽ không gia nhập giải đấu đó dù bất cứ chuyện gì xảy ra".
Về phần mình, Paris Saint-Germain bác bỏ hoàn toàn mọi kế hoạch liên quan đến ESL: "Là một thành viên của bóng đá châu Âu, PSG ủng hộ các nguyên tắc của mô hình thể thao châu Âu, các giá trị của cạnh tranh cởi mở và hòa nhập, đồng thời hợp tác với tất cả các bên liên quan được công nhận trong bóng đá châu Âu".
Man City khẳng định quan điểm: "Chúng tôi vẫn cam kết với những giá trị của bóng đá châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các câu lạc bộ thành viên thông qua ECA và tham gia giải đấu của UEFA".
AS Roma tuyên bố: "Câu lạc bộ không hề xác nhận bất kỳ điều gì về cái gọi là dự án Super League. Roma tin rằng sự thịnh vượng trong tương lai của bóng đá châu Âu chỉ có thể được đảm bảo khi các câu lạc bộ hợp tác cùng nhau thông qua ECA cũng như hợp tác chặt chẽ với UEFA".
Chính phủ Anh và thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố sẽ cấm các câu lạc bộ Anh thi đấu ở ESL, bất chấp giải đấu ly khai này thắng kiện và tuyên bố kế hoạch thi đấu trải rộng khắp châu Âu.
Nhóm "Big Six" Ngoại hạng Anh ban đầu đã bí mật đồng ý tham gia ESL và điều này đã làm dấy lên cơn thịnh nộ từ các CĐV hồi năm 2021. Phản ứng dữ dội này khiến cả 6 đội bóng sau đó đã tuyên bố rút lui.
Chính phủ Anh cho biết sắp ban hành Dự luật Quản trị Bóng đá, được sử dụng để cấm các câu lạc bộ Anh tham gia bất kỳ giải đấu "ngoài luồng"nào. Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh đã đưa ra tuyên bố: "Nỗ lực tạo ra một giải đấu ly khai hồi năm 2021 từng bị người hâm mộ, các câu lạc bộ và Chính phủ Anh kịch liệt lên án. Chúng tôi sẽ sớm đưa ra đạo luật có thể ngăn các câu lạc bộ tham gia bất kỳ giải đấu ly khai tương tự nào trong tương lai".
Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Dame Caroline Dineage – chủ tịch ủy ban tuyển chọn văn hóa, truyền thông và thể thao – đã cảnh báo các câu lạc bộ của Premier League không tham gia vào các kế hoạch mới của European Super League. Bà nói: "European Super League năm 2021 tuyên bố ưu tiên tài chính hơn người hâm mộ và bất kỳ sự hồi sinh nào của giải đấu này đều không có lợi cho bóng đá Anh".
Bình luận (0)