Có một số người đi làm không chịu đầu tư vào việc rèn luyện kỹ năng để nâng cao chuyên môn của mình, họ đi làm một cách qua loa, nhiệm vụ được giao họ cũng hoàn thành một cách đại khái. Khi làm việc nhóm, họ cũng làm việc một cách lười nhác nhưng khi được tuyên duyên, họ lại nói rằng họ là người làm việc cật lực nhất, những kết quả của cả nhóm là do họ một tay làm nên. Những việc đó thường diễn ra hàng ngày ở chốn công sở, nhưng việc thường xuyên "nhận vơ" này sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng tới sự nghiệp phát triển của những người như thế.
Tác hại của việc sử dụng "của công" thành "của riêng"
Theo VietnamWorks, đầu tiên, kiểu đồng nghiệp sẽ trở nên mất điểm trong mắt các đồng nghiệp khác, dần dần họ sẽ đánh mất mối quan hệ thân thiết xung quanh, vì lo sợ họ sẽ lập lại chuyện đánh cắp kết quả một lần nữa. Tiếp theo, việc chiếm đoạt "của công" sẽ khiến họ lầm tưởng về những giá trị mà họ tạo được. Khi đi xin việc, họ có thể lấy những kết quả đó để biến thành kết quả của riêng mình để làm đẹp hồ sơ cá nhân, nhưng khi nhà tuyển dụng phát hiện được những kết quả đó chỉ là kết quả gian dối. Điều này sẽ làm cho họ mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng vì không trung thực, thậm chí, họ còn có thể rơi vào danh sách đen của nhà tuyển dụng.
Cuối cùng, họ lấy cắp kết quả của người khác nhưng không thể nào lấy cắp được quá trình làm việc. Vì thế, họ cũng không thể nào hiểu rõ cách làm, họ không thực sự hiểu tường tận được vấn đề. Điều này dẫn đến việc kỹ năng chuyên môn của họ vẫn không được cải thiện. Về lâu dài, họ sẽ không thể phát triển được thêm nếu họ tách rời khỏi nhóm làm việc của mình. Và, đối với những nhân viên không thể mang lại kết quả phát triển, doanh nghiệp sẽ đưa họ vào danh sách nhân viên sa thải trong kỳ đánh giá tiếp theo.
Khi bị cướp công, nên làm thế nào?
Bạn sẽ cảm thấy thật bất công khi mình làm việc chăm chỉ, tận tụy với công việc, nhưng bạn phát hiện đồng nghiệp lại cướp mọi thành quả của mình. Đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ giận dữ và muốn làm cho ra ngô ra khoai với đồng nghiệp đó. Nhưng sự nóng vội của bạn sẽ khiến bạn vô tình trở thành kẻ ghen tị trong mắt đồng nghiệp, nên hãy chọn cách xử lý khôn khéo. Trước hết, hãy tự nhủ bản thân bình tĩnh, việc bạn tỏ ra giận dữ khiến hình ảnh của bạn vô tình trở nên xấu hơn trong mắt đồng nghiệp.
Nói chuyện riêng với đồng nghiệp
Khi đồng nghiệp tranh công, trước hết bạn nên tìm cơ hội tiếp cận với đồng nghiệp tranh công đó và hỏi tại sao người ấy lại làm như thế. Nếu là do họ quên không có nói tên bạn, là do họ sơ sót và họ chủ động nhận sai với bạn, họ sẵn sàng công nhận sự đóng góp của bạn với sếp thì bạn có thể thoải mái mà bỏ qua. Đừng vội xung đột hung hăng với vì họ có thể là những nhân viên làm lâu năm.
Nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp khác
Nếu như người đồng nghiệp cướp công không chịu nhận sai, bạn vẫn có thể nhờ sự trợ giúp của đồng khác – một người hiểu rõ công sức đóng góp của bạn vào dự án. Họ có thể hỗ trợ bạn chứng minh dự án đó là do bạn làm, bằng cách những câu hỏi xoay dự án, như: cách tiếp cận dự án và cách triển khai chúng hay những khó khăn gặp phải khi thực hiện. Những câu hỏi này sẽ chứng minh cho bạn cũng là người có công đóng góp và sáng tạo dự án đó.
Nói chuyện với cấp trên
Nếu như việc cướp công này diễn ra thường xuyên, bạn cố gắng làm theo mọi cách trên nhưng không thành thì bạn nên có một cuộc nói chuyện hoặc trình bày với sếp về những khúc mắc. Khi bạn chia sẻ những vấn đề bạn đang gặp phải để sếp hiểu rõ và có cách giải quyết. Và, một điều bạn cần lưu ý, bạn nên trình bày một cách khéo léo, giọng điệu và ngôn ngữ trung lập, câu cú ngắn gọn. Mục đích của cuộc trò chuyện này không là nói xấu đồng nghiệp mà là tạo ra môi trường làm việc công bằng, tốt đẹp.
Tuy nhiên, nếu như cấp trên của bạn thể hiện rõ sự thiên vị thì chắc hẳn sẽ khó nhận được sự tôn trọng từ nhân viên, thậm chí còn khó giữ chân nhân viên. Và, bạn có nhẫn nhịn ở lại thì bạn cũng không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có khi bạn còn chịu tiếng oan. Vì thế, xem xét mọi thứ, nếu bạn không thấy được sự phát triển bản thân ở vị trí hiện tại, thì bạn có thể chọn tìm kiếm nơi cống hiến khác.
Chủ động phòng tránh
Sau khi bạn đã thực hiện hết những đề xuất ở trên rồi, nhưng chuyện đã xảy ra một lần cũng có thể xảy ra lần hai. Vậy nên bạn cũng cần phải chủ động đề phòng việc bị trộm cắp ý tưởng một lần nữa, việc chủ động đề phòng sẽ giúp bạn ít gặp phải lại tình huống éo le như trước.
Khi làm việc bạn cần tránh việc chia sẻ một – một, khi có ý tưởng muốn chia sẻ, bạn có thể gửi mail cc tới cho mọi người trong nhóm hoặc để chế độ công khai để cùng lên ý tưởng. Trong mỗi buổi họp, bạn có thể ghi âm-ghi hình hoặc có một thư ký ghi lại các cuộc bàn bạc, họp hành giữa các thành viên trong nhóm với nhau. Hoặc, ngay khi có dự án, bạn có thể đề xuất về những thành viên hợp tác với cấp trên ngay từ đầu, cấp trên sẽ nắm rõ được những thành viên có trong nhóm làm việc của bạn. Đồng thời, bạn cũng cần gửi báo cáo tiến độ công việc của nhóm theo tuần hoặc theo ngày.
Bình luận (0)