Tại buổi tiếp xúc, gặp gỡ giữa LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM và đoàn viên các nghiệp đoàn, bao gồm nghiệp đoàn xe ôm công nghệ, mới đây các tài xế xe ôm công nghệ đã bày tỏ nguyện vọng mong sớm được định danh họ chính là "người lao động".
Ông Phạm Thanh Triệu, đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm công nghệ, cho biết hiện nay có nhiều người chọn việc chạy xe công nghệ là nghề chính, gắn bó nhiều năm. Tài xế xe công nghệ phải làm việc trong môi trường nắng nóng, nặng nhọc và đối mặt vối nhiều nguy cơ, rủi ro. Tính chất công việc không khác gì những người lao động làm việc trong những ngành nghề khác, song vì được các công ty cung cấp công nghệ gọi tên là "đối tác" nên họ không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng như các quyền lợi liên quan, rất thiệt thòi. Ông Triệu mong các cơ quan chức có giải pháp để tài xế xe công nghệ được định danh đúng là "người lao động" để được hưởng các quyền lợi đáng được hưởng.
Tại Bộ luật lao động năm 2019, "người lao động" được định nghĩa là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Theo ông Phạm Mi Sên, phó Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ông công nghệ quận Bình Tân, tài xế xe công nghệ đáp ứng đủ các tiêu chí của "người lao động" theo khái niệm trên.
Cụ thể, giữa các công ty cung cấp công nghệ và tài xế xe công nghệ có ký hợp đồng. Dù có tên gọi khác nhưng có thể hiện sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp. "Đó là sự quản lý vô hình. Chẳng hạn, nếu giao dưới 35 đơn hàng trong 1 ngày, chúng tôi chỉ được trả hơn 100.000 đồng; giao từ đủ 35 đơn trở lên sẽ được nhận khoản thưởng 200.000 đồng. Với tiêu chí tính như vậy, dù không giao việc trực tiếp nhưng vì để có thu nhập, người lao động không còn cách nào khác buộc phải đi theo con đường mà doanh nghiệp vạch sẵn"- ông Sên nói.
Bên cạnh sự quản lý chặt chẽ đó, người lao động còn bị chế tài, chẳng hạn khi bị khách hàng đánh giá không tốt, tài xế có thể bị khóa app, đuổi việc, tương tự với hình thức kỷ luật sa thải.
Về yếu tố "có trả lương" thì dù phía công ty cung cấp công nghệ không trực tiếp trả lương cho tài xế, nhưng từ việc tự định tỉ lệ chiết khấu trả cho tài xế sau mỗi cuốc xe theo cam kết trong hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng mang bản chất của tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động.
Cũng theo ông Sên, dù được gọi là đối tác, song giữa tài xế và công ty cung cấp công nghệ không có sự bình đẳng, ngang bằng về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Bởi lẽ, trong quan hệ này, chỉ bên công ty cung cấp công nghệ được quyền đưa ra các chính sách (mức chiết khấu, thưởng, phạt, kiểm soát các giao dịch, khách hàng, tuyến đường…), còn bên tài xế buộc phải chấp nhận, nếu không thì "rời cuộc chơi". Điều này chưa thể hiện đúng bản chất của một hợp đồng dân sự.
Do vậy, ông Sên cho rằng việc quản lý người lao động bằng công nghệ vốn là hình thức mới, đặc thù. Được xem là mới nhưng hình thức này cũng đã tồn tại suốt 10 năm qua, nên cần sớm có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho lực lượng lao động đang ngày càng tăng về số lượng hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho hay vấn đề giữa tài xế xe công nghệ và các công ty công nghệ có phải là quan hệ lao động hay không hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, thời gian qua, LĐLĐ TP HCM cũng đã liên tục kiến nghị trong các diễn đàn, hội nghị… đưa các lực lượng lao động phi chính thức đang làm việc cho các nền tảng công nghệ chia sẻ vào lực lượng lao động chính thức để được hưởng các quyền lợi chính đáng. Với xu thế mới, lực lượng lao động tham gia vào các nền tảng công nghệ chia sẻ ngày càng đông, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục đeo bám, kiến nghị nhằm điều chỉnh các chính sách liên quan để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động.
Bình luận (0)