Sự phát triển nở rộ của dịch vụ xe ôm công nghệ những năm gần đây khiến thị trường xe ôm truyền thống ngày càng khó cạnh tranh, cuộc sống của những tài xế xe ôm lâu năm vì thế ngày càng bấp bênh hơn. Dọc các tuyến đường lớn, các bến xe, không khó để bắt gặp những tài xế xe ôm truyền thống ngồi chờ hàng giờ nhưng không có khách nào ghé đến.
Thu nhập ngày càng teo tóp
Ông Trần Văn Phước (61 tuổi), tài xế chạy xe ôm truyền thống 32 năm, dù sức khỏe ngày một yếu, ông vẫn bám trụ với nghề để lo chi phí sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, lượng khách đi xe ôm truyền thống cũng ngày một giảm, nhất là 2 năm trở lại đây, hôm nào đắt khách thì ông kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng, có hôm chỉ được vài chục ngàn đủ trả tiền xăng và tiền ăn trong ngày.
"Do còn phải ở trọ nên tôi sống rất tiết kiệm, mỗi ngày đều cố dành ra một khoản để gom góp cuối tháng đóng tiền trọ. Hôm nào ít khách là tôi lại lo lắng không biết lấy tiền đâu đóng tiền trọ" - ông Phước thở dài.
Ế ẩm là tình trạng chung của nhiều tài xế xe ôm truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thà (63 tuổi), làm nghề lái xe ôm hơn 30 năm cũng đang chật vật kiếm sống qua ngày. Ông kể, mỗi ngày hơn 4 giờ sáng ông sẽ đi phụ chở, bốc hàng ở Bình Chánh rồi lại chạy qua điểm đón khách quen ở quận 12. Dầm mưa dãi nắng cả ngày ngoài trời nhưng có hôm ông trở về tay không vì không có một cuốc xe nào, ngày có khách đi thì cũng chỉ được vài chục.
Dù thế, ông Thà vẫn duy trì công việc hằng ngày với mong muốn tự lo được cho bản thân. "Tôi chạy xe vì không muốn phiền các con. Giờ chạy xe kiếm được đồng nào hay đồng đó, ai đi giùm thì mình cảm ơn chứ biết sao?" - ông Thà tâm sự. Cũng vì lượng khách giảm mà mỗi ngày, ông đều ráng kéo dài thời gian làm việc đến tối với hy vọng sẽ có thêm vài cuốc xe.
Tài xế xe ôm truyền thống lao đao vì cạnh tranh ngày càng lớn
Cạnh tranh tăng, khó chuyển đổi
Dù mưa gió hay nắng nóng, cứ hễ có khách gọi, ông Trần Đình Thành (62 tuổi) sẵn sàng chạy đến đón. Ông Thành là tài xế chạy xe ôm truyền thống hơn 10 năm. Ngày nào cũng như ngày nào, ông đứng đợi khách dưới chân cầu đối diện bến xe Ngã tư Ga (quận 12, TP HCM) từ sáng sớm đến chiều tối mới về.
Ông cho biết từ khi dịch vụ gọi xe công nghệ ra đời và phát triển mạnh, nhất là sau dịch COVID-19 khiến lượng khách đi xe ôm truyền thống ngày càng ít đi, thu nhập vì thế cũng teo tóp. "Cạnh tranh quá lớn, khách có xu hướng thích đi xe công nghệ bởi dễ dàng đặt xe, có nhiều mã giảm giá, ưu đãi hấp dẫn. Điều đó khiến những tài xế chạy xe ôm như chúng tôi ngày càng khó kiếm khách. Có bữa, tôi về mà không có đồng nào" - ông Thành thở dài.
Ông cho biết nhiều người hỏi nếu khách hàng ưa chuộng dịch vụ xe công nghệ thì tại sao không chuyển sang chạy xe công nghệ hoặc giao hàng qua ứng dụng, nhưng với một người lớn tuổi như ông, vừa không rành điện thoại thông minh, phương tiện lại cũ kỹ thì chuyển đổi là một vấn đề khó khăn. "Điện thoại thông minh nhiều chức năng quá tôi không rành, chỉ dùng điện thoại đời cũ nghe gọi thôi" - ông nói.
Với 20 năm kinh nghiệm chạy xe ôm, nằm lòng hết các con đường từ lớn đến nhỏ, ông Nguyễn Thanh Hoàn (60 tuổi) có thể đưa đón khách mà không cần dùng đến ứng dụng bản đồ hay công nghệ. Khi đối mặt với sự phát triển của dịch vụ xe ôm công nghệ, ông Hoàn nói bây giờ phần lớn thu nhập của ông đều dựa vào khách quen. Chạy xe ôm lâu năm, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi. "Từ sau dịch COVID-19, lượng khách giảm mạnh. Ngày xưa ngã 3 nào cũng có xe ôm, nay chỉ còn lại vài người bám trụ, đa phần là người lớn tuổi, khó kiếm việc khác và cũng không rành công nghệ" - ông nói.
Chia sẻ khó khăn
Hiểu nỗi vất vả, khó khăn của nhiều tài xế xe ôm truyền thống, thời gian qua, các cấp Công đoàn TP HCM đã cố gắng vận động họ gia nhập các Nghiệp đoàn để hỗ trợ, chăm lo tốt hơn. Mô hình "Điểm dừng chân" với nhiều tiện ích do Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TP HCM phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện cho ra mắt thời gian qua cũng với mục tiêu hỗ trợ cho các tài xế xe công nghệ và xe ôm truyền thống đó điểm nghỉ ngơi miễn phí để hồi phục sức khỏe. Hiện điểm dừng chân đã có mặt ở nhiều nhiều địa phương như quận Bình Tân, quận 7, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 11... Điểm dừng chân sẽ có những tiện ích như: có chỗ đậu xe, nhà vệ sinh, bàn ghế, WiFi miễn phí, máy nước nóng, lạnh, nước giải khát giá bình dân…
Bình luận (0)