Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP HCM, cho rằng thời gian qua, các quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp.
Cơ chế giao cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong biên chế chung được cấp trên giao cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp Công đoàn.
Bên cạnh đó, việc phân bổ biên chế do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định, trong khi việc đảm bảo nguồn tài chính là do Công đoàn cấp trên quyết định, dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nhân lực và nguồn lực đảm bảo. Tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu về biên chế cán bộ Công đoàn trong phạm vi cả nước, hay trong phạm vi của một tỉnh, một thành phố cũng là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ Công đoàn hiện nay.
Mặt khác, theo ông Thắng, trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh Công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ Công đoàn càng đặc thù càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn tại rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Do đó ông Hà Phước Thắng đánh giá việc đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác cán bộ như trong dự thảo luật là phù hợp với tình hình hiện nay và với xu hướng phát triển của công đoàn trong thời gian tới.
Về tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%, ông Thắng cho biết hiện nay tài chính Công đoàn được tập trung chi cho Công đoàn cơ sở (CĐCS) chiếm khoảng 75% tổng nguồn thu để thực hiện tốt chức năng đảm bảo đại diện, chăm lo phúc lợi cho người lao động.
Theo ông Hà Phước Thắng, về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn nhằm đảm bảo cho hoạt động Công đoàn thực hiện tốt các dịch vụ chăm lo cho người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời, cũng để đảm bảo vai trò Công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Như vậy, về nguồn kinh phí Công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. "Điển hình là việc chăm lo cho người lao động trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua. Với nội dung trên, tôi ủng hộ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 của dự thảo luật này" - ông Thắng nói.
Về quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn được quy định tại khoản 2 Điều 30, ông Thắng thống nhất quy định theo phương án 1, đó là giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp. Theo ông, đây là phương án tối ưu. Theo đó, Chính phủ chỉ quy định đối với những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, còn những nơi khác thì vẫn giữ như quy định hiện hành.
Bình luận (0)