icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ủng hộ giữ quy định đóng kinh phí Công đoàn 2%

Văn Duẩn - Huy Thanh

(NLĐO) – Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành, bởi hầu hết nguồn kinh phí thu được dành để chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở

Ủng hộ giữ quy định đóng kinh phí Công đoàn 2%- Ảnh 1.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM, ủng hộ việc giữ quy định đóng kinh phí Công đoàn 2% bởi 2/3 tiền thu được dành để chăm lo trực tiếp cho người lao động tại cơ sở

Sáng 8-6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn TP Hà Nội) đồng ý duy trì mức kinh phí Công đoàn 2%.

Theo bà Mai, quy định này kế thừa nguyên vẹn quy định hiện hành, có đủ căn cứ chính trị, tạo điều kiện nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động, duy trì nguồn lực hiện có. Với 2 phương án phân phối khoản kinh phí công đoàn, bà Mai cho rằng, nên thực hiện theo phương án 2, quy định cụ thể phân chia kinh phí công đoàn trong luật.

Cũng cho ý kiến về duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định bà hoàn toàn ủng hộ quy định này. Theo ĐB, nếu không duy trì quy định đóng kinh phí Công đoàn 2%, có nghĩa công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để nhận hỗ trợ.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho biết có hiệp hội, doanh nghiệp than thở rằng doanh nghiệp đang khó khăn, phải đóng thêm 2% kinh phí Công đoàn thì quá tốn kém. Phản biện lại quan điểm này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy dẫn chứng nếu chúng ta nhìn lại quá trình suốt gần 3 năm đất nước chống chọi với đại dịch COVID-19 thì "số tiền Công đoàn bỏ ra để cùng với doanh nghiệp, cùng với nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho người lao động tại chính những cái đơn vị này là rất lớn".

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM, ủng hộ việc giữ quy định đóng kinh phí Công đoàn 2% - clip: Văn Duẩn

Dẫn chứng tại TP HCM, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh trong khoảng thời điểm dịch bệnh COVID-19, chi của tổ chức Công đoàn để chăm lo cho người lao động nói chung trên địa bàn TP HCM là rất lớn, 400-500 tỉ đồng, để chăm lo chung cho công đoàn viên và người lao động, kể cả nhóm công đoàn viên bị mất việc, doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh và giãn, giảm không có việc làm.

"Do đó, việc duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2% là hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện để tiếp tục cơ chế, chính sách để Công đoàn cùng với Đảng và Nhà nước, cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người lao động tại các đơn vị, địa phương" - bà Thúy nêu quan điểm.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cung cấp thông tin: Về kinh phí Công đoàn 2% của tổ chức Công đoàn thì 75% của khoản tiền này đang được giữ tại Công đoàn cơ sở. Các doanh nghiệp được giữ lại phần này và Ban chấp hành công đoàn sẽ tổ chức chăm lo cho chính người lao động tại doanh nghiệp. 25% còn lại sẽ được phân cho 3 cấp Công đoàn (cấp trên trực tiếp cơ sở, cấp tỉnh và cấp trung ương) để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác và cũng sẽ được trích các cái quỹ bảo vệ người lao động, quỹ chăm lo cho người lao động và các cái loại quỹ khác theo quy định của nhà nước.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy đồng ý với phương án 1 trong dự thảo, đó là tiếp tục đóng 2% và Chính phủ sẽ quy định cụ thể về tổ chức thực hiện và quản lý cái quỹ này, lúc đó nó sẽ rất là linh hoạt và phù hợp.

Duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiết

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều thập kỷ qua, kinh phí Công đoàn được thực hiện chủ yếu ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa (trước đây) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiện Trung Quốc cũng đang duy trì mức đóng này.

Qua tổng kết việc thực hiện Luật Công đoàn 2012 cho thấy, tỉ trọng chi tài chính Công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Trong đó, chi cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động chiếm 84,14% tổng số chi.

Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 02-NQ/TW đã đề ra yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, việc tiếp tục bảo đảm nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.

Theo thông lệ quốc tế, tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước là một nội dung quan trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Thời gian tới, nhiệm vụ công đoàn ngày càng nặng nề, như: đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê; trả tiền bù ngày lương cho người lao động tham gia đình công; tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động ... việc duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiết.

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Liên đoàn, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%). Do vậy, mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng về tổng thể, Tổng Liên đoàn cho rằng mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo