Đây là điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Cơ chế này tạo sự chủ động cho cả Ngân hàng Nhà nước lẫn các TCTD.
Các TCTD được phép tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm và sẽ không còn tình trạng đến thời điểm muốn cho vay lại ách tắc vì chưa được cấp room mới, giải tỏa được chuyện nghẽn tín dụng như từng xảy ra.
TCTD có thể chủ động hơn về kế hoạch kinh doanh của mình ngay từ đầu năm, tiếp tục hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng... mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Trước đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất huy động vốn và cho vay; cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; sửa đổi một số thông tư, qua đó tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198.400 tỉ đồng. Quốc hội, Chính phủ cũng đã quyết định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết tháng 6-2024; tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2024…
Hiện tại, room tín dụng dồi dào, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2% - 3% trong năm 2023, lãi suất cho vay cũng đã về mức rất thấp. Có điều, tăng trưởng tín dụng tháng 1-2024 giảm 0,6% so với cuối năm 2023, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, phản ánh nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
2024 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025. Mới đây, nhiều đạo luật quan trọng được ban hành, nhất là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)..., với nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng loạt lĩnh vực.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bơm vốn vào nền kinh tế tốt hơn trong thời gian tới, không chỉ cần vào những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ mà còn phụ thuộc khả năng phục hồi của kinh thế giới.
Trong khi chờ kinh tế thế giới phục hồi, chúng ta cần cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân để an toàn hơn về mặt tài chính, tạo động lực đầu tư, sản xuất - kinh doanh và phát triển. Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp các chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả…) nhằm bình ổn tỉ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, các chính sách đã ban hành cần được thực thi tốt hơn nhằm kích cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh…, từ đó góp phần đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)