Mới đây, khi nhận được lời mời về công ty cũ làm việc, chị Lê Thị Kim (42 tuổi), công nhân cũ của Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM) đã từ chối. Lý do là chị đang nhận trợ cấp thất nghiệp. Không riêng chị Kim, nhiều công nhân "chê" việc vì đang nhận trợ cấp thất nghiệp và chờ đủ một năm để rút bảo hiểm xã hội một lần.
Chị Kim quê ở An Giang, làm việc cho Công ty TNHH PouYuen được 13 năm và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mức 5.320.000 đồng/tháng. Dù công ty cũ và nhiều công ty xung quanh tuyển lao động nhưng chị Kim không xin vào làm. Chọn công việc phụ bếp cho một trường mầm non gần khu trọ với tiền công 200.000 đồng/ngày.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có nhu cầu tuyển 1.000 lao động, sẵn sàng nhận công nhân trên 40 tuổi vào làm việc. Trong thông tin rao tuyển, công ty cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm và lương thưởng phúc lợi theo quy định pháp luật. Công ty và Công đoàn cơ số còn hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tặng vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật… Ngoài ra, công ty có xe đưa rước cho công nhân tại Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công ty TNHH PouYuen, cho biết doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn lao động vì đơn hàng phục hồi. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển CN đã nghỉ việc. "Sau khi phỏng vấn và kiểm tra tay nghề, người đạt yêu cầu sẽ được tuyển, không phân biệt công nhân mới hay cũ" - đại diện công ty thông tin.
Trao đổi về tình trạng công nhân "chê" việc, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống và Xã hội (Social Life), cho hay đa số lao động làm việc xuất phát từ nông thôn. Trong đó, không ít người còn nhận thức và theo tập quán truyền thống về mô hình kinh tế nông nghiệp - người trong gia đình "chăm sóc cho nhau" những lúc khó khăn hay khi đến tuổi già.
Kết quả khảo sát xã hội gần đây của Social Life cho thấy nhiều người lao động xem việc tham gia BHXH như một phần tiền gửi tiết kiệm, tích lũy tài chính - giống hình thức chơi hụi vốn khá phổ biến trong xã hội.
Điều này cho thấy những thách thức trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi. Bởi từ nhận thức chung, nhiều người cho rằng đối tượng nhận được lương hưu là cán bộ, công chức làm ở các cơ quan nhà nước, chứ không nghĩ công nhân nhà máy cũng được lãnh lương hưu.
"Theo tôi, Việt Nam cần thực hành thêm theo phương châm "bù đắp nhiều hơn, thu ít hoặc vừa đủ" để làm sống động lại thị trường lao động. Bởi người lao động trở lại thị trường làm việc, tiếp tục tạo ra của cải vật chất, đóng thuế, đóng quỹ bảo hiểm xã hội thì sẽ tốt hơn tình trạng hàng triệu người nghỉ việc chờ rút bảo hiểm xã hội một lần, với điều kiện phải nghỉ việc ít nhất 12 tháng như hiện nay" - ông Lộc nói.
Quan sát ở một số quốc gia phát triển, người lao động thất nghiệp được nhận trợ cấp 3 tháng. Tiếp theo, họ được đào tạo nghề miễn phí, phù hợp với xu hướng, nhu cầu việc làm mới của địa phương.
Ông Lộc đề xuất thay vì để tình trạng người lao động xếp hàng chờ lãnh bảo hiểm xã hội như hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm xúc tiến các giải pháp làm sống lại thị trường lao động, đơn cử như thiết lập gói đầu tư công cho người lao động học nghề, giúp các doanh nghiệp nội địa vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo ra việc làm, giúp người lao động có thu nhập.
Bình luận (0)