Việc tuyển Singapore rút lui vào giờ chót không làm thay đổi cục diện môn bóng chuyền nữ tại SEA Games 30 bởi đội bóng đảo quốc Sư tử chỉ được đánh giá là đối thủ "lót đường" cho tham vọng của 4 đội bóng đàn chị gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Ngay cả danh xưng "đàn chị" ở thời điểm SEA Games 30 khởi tranh xem ra cũng không còn phù hợp với tuyển Việt Nam, đội bóng đã phải chia tay ngôi á quân tại kỳ đại hội năm 2017 sau gần hai thập kỷ chỉ chịu nhường bước Thái Lan.
Tuyển Việt Nam (áo đỏ) thua trắng Indonesia tại ASEAN Grand Prix 2019
Sau màn trình diễn tệ hại ở hai chặng đấu ASEAN Grand Prix 2019 với việc thất bại toàn diện trước tất cả các đối thủ quen thuộc từ Thái Lan, Indonesia cho đến Philippines, một bầu không khí ảm đạm bao trùm lấy tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong những ngày chuẩn bị tranh tài ở SEA Games 30. Lực lượng trong tay HLV Nguyễn Tuấn Kiệt khi ấy chỉ toàn những gương mặt trẻ, không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao. Nhiều cầu thủ đủ khả năng tranh tài thì lại không thể góp mặt tại Philippines vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có tay chuyền hai kỳ cựu Nguyễn Linh Chi, phụ công Dương Thị Hên hay cặp chủ công Đinh Thị Thúy, Nguyễn Thị Bích Tuyền…
Thanh Thúy tấn công ghi điểm trước chủ nhà Philippines
Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, ngoài việc triệu tập gấp chủ công Trần Thị Thanh Thúy đang thi đấu ở Nhật Bản, còn có cả việc gọi lại một số cựu binh nhưng sau cùng chỉ duy nhất Nguyễn Thị Xuân nhận lời. Chính sự hiện diện của hai gương mặt này đã mang lại nét tươi mới, giúp xoay chuyển hẳn tình thế vô cùng khó khăn của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games 30.
Kinh nghiệm của Nguyễn Thị Xuân (11), sức trẻ của Thanh Thúy (3) tạo sự khởi sắc
Vượt lên dẫn Philippines sau ba ván, tuyển Việt Nam không dễ dàng kết thúc sớm trận mở màn khi đội chủ nhà kiên cường gỡ hòa 2-2 rồi gây rất nhiều khó khăn cho đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt trước khi chấp nhận thất bại 2-3 sau ván thứ năm quyết định. Nhật báo ABS-CBN News chỉ ra rằng Thanh Thúy (ghi 27 điểm), Nguyễn Thị Xuân (15 điểm) và Bùi Thị Ngà (14 điểm) chính là 3 mũi tấn công tốt nhất của tuyển Việt Nam, đủ để Alyssa Valdez cùng dàn tuyển thủ Philippines phải nhận thất bại chung cuộc trước đối thủ mà họ từng thắng áp đảo hồi ASEAN Grand Prix 2019 vài tháng trước đó.
Nguyễn Thị Xuân tấn công trước hàng chắn Thái Lan
Câu chuyện gần như tương tự khi tuyển nữ Việt Nam ra quân trận thứ nhì, gặp kình địch Indonesia. Không như Philippines, dàn cầu thủ giàu kinh nghiệm Indonesia hai lần vượt lên trước và gần như sẽ giành chiến thắng chung cuộc trước Việt Nam, đồng nghĩa với việc cầm chắc suất vé vào chơi trận chung kết.
Cựu binh Nguyễn Thị Xuân kể lại: "Cho đến khi bị Indonesia dẫn trước 2-1, cả đội vẫn siết chặt tay, động viên nhau trong từng pha bóng để cố gắng giành giật từng điểm. Thắng hay thua Indonesia, lúc ấy, không còn là chuyện đáng quan tâm nữa bởi tuyển Việt Nam từng thua đậm đội bóng này ở cả hai lần chạm trán gần nhất, chưa kể từng để vuột tấm HCB SEA Games 29 vào tay họ. Những lời chỉ đạo của HLV cứ như trôi tuột mất trong bầu không khí ồn ào, náo nhiệt của nhà thi đấu và chị em chúng tôi chỉ còn giao tiếp với nhau qua những cái đập tay đầy quyết tâm, những ánh mắt không cam chịu và từng động tác tấn công như thể đây là lần cuối cùng ra trận. Vậy thôi, bí quyết của tuyển bóng chuyền nữ, cũng như mọi đội tuyển thể thao Việt Nam, có lẽ chính là tinh thần kiên cường, không bao giờ chấp nhận làm kẻ chiến bại!".
Tấm HCB là thành tích vượt ngoài mong đợi của tuyển Việt Nam
Thắng ngược Indonesia cũng sau 5 ván đấu căng thẳng, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xem ra đã hoàn thành chỉ tiêu một cách xuất sắc. Không chỉ "đòi nợ" thành công trước Indonesia và Philippines, đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn chính thức trở lại ngôi á quân khu vực sau một kỳ đại hội phải "nhường" cho Indonesia. Hai trận đấu sau đó với Thái Lan, một tại vòng bảng và một tại trận chung kết, chỉ còn ý nghĩa thủ tục khi người Thái quá mạnh với đội hình gồm toàn những tuyển thủ "máu mặt" từng đua tài tại Giải vô địch châu Á, các chặng Grand Prix thế giới!
Không mơ đến việc bảo vệ nổi tấm HCĐ nhưng sau cùng vẫn chạm tay đến danh hiệu á quân, thành tích của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xem ra chính là "bí ẩn" lớn nhất trong tổng số gần 300 bộ huy chương mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 30 (98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ). Bạc nhưng quý như vàng!
Bao giờ bóng chuyền Việt Nam đuổi kịp Thái Lan, câu trả lời bị bỏ ngỏ
Tất nhiên, khi thành tích chung cuộc được xem là bất ngờ thì đấy chính là điều không nằm trong tính toán ban đầu, nếu không muốn nói là có nhiều phần may rủi. Bóng chuyền trẻ từng lọt vào tốp đầu châu lục, các CLB nữ cũng có những bước nhảy vọt về thành tích khi tham gia những giải chính thức của LĐBC châu Á (AVC), vì thế, nếu để thành tích của đội tuyển quốc gia mai một hoặc sa sút chính là trách nhiệm của những nhà quản lý cao nhất. Nên chăng có một sự thống nhất trong giáo trình huấn luyện của các CLB, tạo nền tảng để những VĐV tài năng khi lên tuyển tránh được sự bỡ ngỡ với sự đa dạng về trường phái, hoặc chí ít cũng nên thuê HLV ngoại như cách bóng đá đã và đang làm rất thành công với chuyên gia Park Hang-seo. Có như vậy, bóng chuyền Việt Nam – cả tuyển nam lẫn nữ - mới có thể mơ vươn tầm ra sân chơi châu lục thay vì chỉ quanh quẩn ở ao làng.
Bình luận (0)