Theo một số chuyên gia bóng đá, nếu không có một cơ chế giám sát đủ mạnh và “tai mắt” thường xuyên dõi theo những trận đấu “có mùi”, những điểm nóng ở V-League nói riêng và các giải đấu chuyên nghiệp nói chung thì bóng đá Việt Nam còn khổ vì tiêu cực. VFF trước đây chỉ phó mặc việc chống tiêu cực cho cơ quan công an nhưng lại bỏ ngoài tai những cảnh báo từ chính nội bộ.
Trong cuộc họp hôm 18-4 tại Hà Nội, các thành viên thường trực VFF đều nhận định vụ án đánh bạc vừa khởi tố ở V.Ninh Bình, với 9 cầu thủ cá cược và dàn xếp tỉ số trận đấu với Kelantan ở Malaysia tại vòng bảng AFC Cup 2014 tối 18-3, là nghiêm trọng và “đáng lo ngại”. Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Công việc điều tra chỉ có công an mới thực hiện được. Không có vùng cấm nào, nếu phát hiện tiêu cực thì VFF sẵn sàng để cơ quan công an vào cuộc làm đến nơi đến chốn”. Ông Dũng thừa nhận cuộc chiến chống tiêu cực là cuộc chiến lâu dài và một mình VFF không thể làm được nếu cơ quan công an không giúp sức, các đội bóng không tuyên chiến và toàn xã hội không tẩy chay tiêu cực bóng đá.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết trong ngày 19-4, một phái đoàn cấp cao của LĐBĐ châu Á (AFC) với những chuyên gia ở Ban Giám sát các giải đấu sẽ sang Việt Nam và làm việc với VFF, lãnh đạo CLB V.Ninh Bình cũng như cơ quan công an đảm trách nhiệm vụ chống tiêu cực trong bóng đá. “VFF đã yêu cầu Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổng hợp các báo cáo từ giám sát và các nguồn khác về những trận đấu đáng ngờ của V.Ninh Bình ở V-League để chuyển sang cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ” - ông Tuấn nói.
Theo ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó Chủ tịch VFF, tình hình tiêu cực, dàn xếp tỉ số, mua độ, bán độ ở các giải đấu chuyên nghiệp dường như lên đến mức báo động. “VFF phải nhận thức được mức độ nguy hiểm lúc này: Không phải câu chuyện ở một vài cầu thủ hay một đội bóng mà là ở cả nền bóng đá thì mới chống tiêu cực được” - ông Thọ nhận định.
Ông Thọ cho biết từng có cơ chế chống tiêu cực ở các giải chuyên nghiệp, đó là Ban Tư vấn đạo đức. Tuy nhiên, với cách hành xử bỏ ngoài tai mọi cảnh báo của ban này, VFF bây giờ chống tiêu cực kiểu “bịt mắt” bắt tiêu cực! “Chống kiểu đó không những không hiệu quả mà còn khiến tình trạng dàn xếp tỉ số, mua bán độ thêm lờn thuốc” - ông Thọ khẳng định.
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh, từng đảm nhận vai trò Phó Ban Tư vấn đạo đức VPF, cho biết: “Không những họ không nghe chúng tôi mà còn cho rằng những nghi vấn thiếu cơ sở về tiêu cực làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam”. Theo ông Vinh, để chống tiêu cực, VFF và VPF phải có những “tai mắt” đủ năng lực chuyên môn, đội ngũ giám sát yêu cầu rất cao về nghiệp vụ, đạo đức chứ không phải đến xem trận đấu rồi về.
Văn Quyến không được đi Myanmar
Trong danh sách đi Myanmar thi đấu lượt cuối bảng G AFC Cup 2014 với Yagon United vào đầu tuần sau, Văn Quyến và hai cầu thủ Lê Văn Thắng, Hoàng Danh Ngọc không có mặt trong danh sách của V.Ninh Bình. Ông Nguyễn Văn Lệ, giám đốc điều hành CLB, cho biết: “Đây là quyết định chuyên môn của HLV Văn Sỹ. Dù vậy, những cầu thủ có liên quan đến vụ án đang bị điều tra cũng nhận được yêu cầu của cơ quan điều tra về việc phải có mặt ở Ninh Bình thời điểm này”.
Văn Thắng và Danh Ngọc không tham gia vụ làm độ với 9 cầu thủ ở trận gặp Kelantan nhưng nhận lần lượt 20 triệu và 50 triệu đồng từ nhóm “đàn anh” thắng tổng cộng 800 triệu đồng.
Bình luận (0)