Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) và Phạm Văn Tuấn (phải) là 2 ứng viên sáng giá nhất thay thế ông Nguyễn Trọng Hỷ
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII là có khả năng kiếm nhiều tiền cho VFF”. Tiêu chí này có vẻ như là một lợi thế với ông Lê Hùng Dũng - phó chủ tịch tài chính hiện tại của VFF. Nhưng động thái áp chỉ tiêu rất cao cho VFF của Tổng cục TDTT dường như lại là cách để ngành thể thao lấy lại lợi thế cân bằng cho ông Phạm Văn Tuấn.
Theo ông Hỷ, căn cứ vào sự giới thiệu ban đầu của các tổ chức thành viên - xuất hiện bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển - có thể thấy chính các đơn vị này đang rất mong chọn được một vị chủ tịch có khả năng làm giàu cho VFF để thoát khỏi cơn suy thoái hiện nay.
Trong khi đó, từ khi bước chân vào VFF và làm phó chủ tịch, ông Phạm Văn Tuấn rất nhiều lần nhấn mạnh đến nhiệm vụ cải tổ bộ máy, cải tổ cách làm việc của VFF. Ông Tuấn rất biết cách thể hiện lợi thế của một nhà quản lý thể thao, có am hiểu sâu về lĩnh vực bóng đá mà ông gắn bó từ khi là một cầu thủ.
Trong các tiêu chí VFF đề ra, cũng nhấn mạnh vai trò của tư tưởng cải cách với chủ tịch VFF chứ không chỉ đơn giản là một người giỏi kiếm tiền. Nhưng với kinh nghiệm 2 khóa làm phó chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng cũng không ngại nói thẳng: “VFF hiện tại cần một nền tảng tài chính vững chắc để thực hiện tốt chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt”.
Với vai trò là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Phạm Văn Tuấn, muốn giành “điểm” từ vấn đề đẩy thành tích của đội tuyển ở SEA Games sắp tới. Chỉ tiêu HCV mà Tổng cục TDTT muốn “áp” cho tuyển U23 là điều mà VFF không muốn, nhất là với những người sẽ tranh cử vào ban lãnh đạo khóa mới.
Tuy nhiên, ông Tuấn lại dũng cảm đặt ra chỉ tiêu này dù cuối cùng VFF xin hạ được chỉ tiêu từ HCV xuống còn “vào trận chung kết”. Dù vậy, ông Tuấn cũng đã ghi điểm bởi dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Người từng đứng đầu ngành thể thao Gia Lai cũng cho rằng cần cụ thể hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam bằng những việc làm cụ thể, bắt đầu từ khâu yếu nhất là đào tạo trẻ.
Vào hội nghị cuối cùng của VFF nhiệm kỳ VI vào ngày 6-5 tới, 2 ứng viên sẽ phải đưa ra chiến lược tranh cử cụ thể để các lá phiếu của VFF biết rõ họ chọn lựa điều gì cần thiết nhất cho bóng đá nội trong thời gian tới.
Bình luận (0)