Trong buổi hội thảo "Tương lai bóng đá Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức vào ngày 27-11, nguyên Tổng Biên tập Báo Bóng Đá - ông Vũ Mạnh Hải - chỉ ra một vấn đề khá đau đầu của giải chuyên nghiệp Việt Nam là còn quá nhiều đội bóng sống bằng ngân sách nhà nước. Do LĐBĐ châu Á (AFC) sẽ căn cứ theo 5 tiêu chí mà các CLB chuyên nghiệp cần có để đủ điều kiện tham gia AFC Champions League (hay còn gọi là cúp C1 châu Á) nên năm nay đến lượt tân vô địch V-League là CLB Quảng Nam sẽ "bị chấm điểm".
Có nhà tài trợ nhưng Quảng Nam vẫn nằm trong nhóm các CLB phải sống dựa vào nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ. Chính Giám đốc điều hành Nguyễn Húp cũng khẳng định trên trang điện tử webthethao.vn rằng mỗi năm, đội bóng được tỉnh rót cho 16 tỉ đồng để hoạt động. "Mới đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ thêm 6 tỉ đồng để đội xây dựng khu nhà ở cho VĐV trẻ chứ không còn ở dưới khán đài sân Tam Kỳ nữa" - ông Húp cho biết.
Nhà vô địch V-League 2017 vẫn còn thiếu điều kiện để trở thành một CLB bóng đá chuyên nghiệp Ảnh: MẠNH THƯỜNG
Dù nguồn kinh tế vẫn phụ thuộc vào bao cấp nhưng ông Nguyễn Húp lại tỏ ra tự hào vì đội bóng sống khỏe, thậm chí nếu được đá AFC Champions League cũng không sợ thiếu tiền đầu tư lực lượng. Theo giải thích của ông thì nhờ đầu mùa giải, Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam được tỉnh giao khai thác khoáng sản nên ngoài khoản đài thọ của tỉnh, CLB "có thêm thu nhập to" nhờ năm vừa rồi khai thác khoáng sản làm ăn khấm khá. "Bên cạnh đó, ngân sách từ UBND tỉnh và kinh phí tài trợ từ các mạnh thường quân, Quảng Nam đủ sức "sống tốt" ở V-League. Chúng tôi trả lương, thưởng kịp thời" - ông Húp tỏ ra rất tự hào.
Nếu xét tiêu chí kinh doanh bóng đá có lãi, họ cũng "thua trong trứng nước". Chưa kể, trong 5 tiêu chí mà AFC quy định là cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo, tổ chức thi đấu, truyền thông - tiếp thị tài trợ và pháp lý tài chính, tân vô địch V-League khó mà được AFC chấm điểm cao.
Vì thế, không lạ gì khi trong buổi hội thảo hôm 27-11, chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích: "14 đội chuyên nghiệp hiện nay chỉ có vài CLB tự cung tự cấp, số còn lại vẫn chủ yếu sống bằng nguồn ngân sách nhà nước. Nếu xét nghiêm, chỉ một đội bóng tại Việt Nam đủ điều kiện đá AFC Champions League. Tôi nghĩ không nhất thiết phải ép đủ số lượng đội chuyên nghiệp mà hãy nghĩ đến chất lượng đủ tiêu chí chuyên nghiệp là hàng đầu, không nên lo sợ thiếu. Các nền bóng đá chuyên nghiệp như Hàn Quốc, Nhật mới đầu cũng chỉ 6-8 đội mà thôi...".
Nhìn sang Thái Lan, ngoài giải đấu chuyên nghiệp mang phong cách ngoại hạng Anh đang thu hút từ người hâm mộ đến các nhà tài trợ, có thể thấy quốc gia này thực hiện rất tốt việc tạo nên các trung tâm, học viện bóng đá có cơ sở vật chất tốt nhất, khoa học nhất vì một tương lai bóng đá thành công hơn nữa. Nhìn lại bóng đá Việt, một vài học viện lẻ loi, trong khi nguồn tài chính của nhiều CLB vẫn phải dựa vào bao cấp, chạy ăn từng bữa, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu mà không chăm lo cho bóng đá trẻ, mới hiểu rõ vì sao bóng đá Việt ngày càng kém xa người Thái.
Thái Lan có đại học bóng đá
Trong buổi lễ khánh thành Trung tâm Huấn luyện bóng đá đỉnh cao có tên Đại học Bangkokthunburi vào sáng 27-11 tại Thái Lan, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và cả Chủ tịch AFC Bin Khalifa đều ấn tượng với trung tâm hiện đại này, nhất là các thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ cho bóng đá đỉnh cao.
Sở dĩ trung tâm huấn luyện bóng đá này của Thái Lan có cái tên mang chữ "đại học" là vì nó chi phối nhiều bởi yếu tố tri thức, trí thức và khoa học mà điều này thì chỉ có các trường đại học mới có nguồn tri thức giỏi và bền vững để phát huy tính khoa học của một trung tâm, được điều hành bởi những con người giỏi giang trong khoa học cộng với thực tiễn. Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot cho rằng bao năm qua, bóng đá Thái Lan bị cản trở bởi thiếu một trung tâm như thế này, còn bây giờ đây, mọi thứ đã có nên vấn đề còn lại là tự thân vận động để tiếp cận đỉnh cao.
Bình luận (0)