Điền kinh luôn là thành tố quan trọng của mọi kỳ đại hội thể thao, là những nội dung thi đấu được người hâm mộ chờ đợi nhất mà mức độ hấp dẫn có lẽ chỉ xếp sau bóng đá và bóng chuyền. Hai kỳ SEA Games liên tiếp gần nhất, điền kinh Việt Nam luôn khiến Thái Lan phải "mắt tròn mắt dẹt" ra sức bám đuổi nhưng đều không thành công trong việc đòi lại vị trí số một khu vực.
Nguyễn Thị Oanh (0962) và Phạm Thị Huệ về nhất nhì cự ly 5.000 m nữ SEA Games 30
Phá thế độc tôn của người Thái kéo dài suốt nhiều thập kỷ, điền kinh Việt Nam hơn bao giờ hết đang khát khao hướng đến việc thiết lập cú hat-trick chiến tích chói sáng này trên sân nhà tại SEA Games 31, đồng thời nhắm đến mục tiêu xa tại Á vận hội (ASIAD) 19. Đây là mục tiêu đồng thời cũng là trọng trách của bộ môn "thể thao nữ hoàng" trong chỉ tiêu thành tích chung của cả đoàn thể thao Việt Nam.
Tiếp nối kỳ tích là nhiệm vụ nặng nề của điền kinh Việt Nam
Trong bối cảnh Thái Lan quyết tâm vượt lên còn Philippines ráo riết nhập tịch dàn sao ngoại hòng thay đổi cục diện, việc điền kinh Việt Nam có giữ được vai trò thống soái Đông Nam Á hay không thực sự là một câu hỏi thú vị, hay nói đúng hơn, bài toán khó dành cho những nhà quản lý và đội ngũ chuyên môn.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua khiến mọi hoạt động thể thao bị đình trệ, những chuyến tập huấn hay xuất ngoại thi đấu của hầu hết các bộ môn bị hủy bỏ buộc các VĐV gần như chỉ biết tập chay tại các trung tâm thể thao. Đó chính là lý do để khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, thể thao Việt Nam đã ráo riết tăng tốc để chạy đua với thời gian khi SEA Games 31 đã cận kề.
Lê Tú Chinh và Kristina Marie Knott trên đường đua 100m tại SEA Games 30
Với điền kinh, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục TDTT đã chính thức phát lệnh triệu tập 75 tuyển thủ cùng gần 30 HLV, chuyên gia, trao quyết định tập huấn tại đồng thời tại 5 địa điểm gồm Trung tâm Huấn luyện thể thao (HLTT) Quốc gia Hà Nội, Đại học TDTT Từ Sơn, Trung tâm HLTT Quốc gia Cần Thơ, Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia TP HCM. Đây là đợt tập trung đông đảo nhất kể từ khi thể thao nước nhà hội nhập quốc tế, đảm bảo điền kinh Việt Nam có được mọi nhân sự tốt nhất để cáng đáng trọng trách tại hai sự kiện quan trọng nhất trong năm 2022 là SEA Games 31 và ASIAD 19.
Bùi Thị Thu Thảo là ĐKVĐ nhảy xa nữ ASIAD 2018
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của đội Dự tuyển điền kinh Việt Nam ở lần tập trung này chính là sự trở lại của Bùi Thị Thu Thảo, nhà vô địch nhảy xa nữ ASIAD 2018 sau thời gian dài nghỉ thi đấu để sinh nở và tương tự là màn tái xuất của Phạm Thị Huệ, đương kim vô địch nội dung chạy 10.000m nữ tại SEA Games 30.
Quách Thị Lan tranh tài ở bán kết 400m rào nữ tại Olympic Tokyo
Thu Thảo đã xuất sắc giành HCV tại giải vô địch quốc gia 2021 với thành tích 6,27 m, tất nhiên còn kém xa thông số cô đạt được tại ASIAD 18 là 6,55m. Tuyển thủ "mẹ bỉm sữa" quê Hà Nội này khẳng định cô sẽ làm việc cật lực để tiếp cận trở lại chuẩn thành tích đủ để mơ "vàng" SEA Games 31 dao động trong khoảng 6,40 - 6,50 m! Một nhà vô địch châu lục khác là Quách Thị Lan, dẫu còn nhiều sai số trong chuyến tập trung lần này do tình hình sức khỏe sa sút kéo dài nhưng cô cũng tự tin cho biết sẽ sớm khắc phục để nhanh chóng trở lại với đường đua 400m rào nữ.
Lê Tú Chinh (103) vô đối trên đường chạy tốc độ quốc gia
Tại TP HCM, một phân nhánh đội Dự tuyển được hình thành với 10 tuyển thủ, trong đó nổi bật nhất là Lê Tú Chinh, nhà vô địch 100m nữ hai kỳ SEA Games 2017 và 2019 cùng với tấm HCV 200m tại SEA Games 2017. "Nữ hoàng tốc độ" đang tích cực cùng HLV Nguyễn Thị Thanh Hương nỗ lực lấy lại phong độ sau một thời gian bị ảnh hưởng lịch trình tập luyện do dịch bệnh.
Có nguy cơ bị soán ngôi bởi đối thủ quen thuộc Kristina Knott, ngôi sao người Mỹ nhập tịch Philippines từng thiết lập kỷ lục Đông Nam Á trên đường chạy 100 m với thông số 11 giây 27, "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh có lẽ cũng chẳng quá phiền lòng khi cô chỉ quanh quẩn tập luyện trong nước và thành tích tại giải VĐQG mới nhất đã rơi lại phía sau khá xa thông số từng giúp cô lên ngôi tại SEA Games 2019. Vấn đề tích cực nhất từ Lê Tú Chinh chính là sự thống trị tuyệt đối của cô tại đấu trường quốc nội, đồng thời vẫn duy trì được phong độ và cảm giác thi đấu rất ổn định sau 2 năm chỉ tập chay…
Nguyễn Thị Thanh Phúc không có đối thủ ở cự ly đi bộ 20km
Tại Trung tâm HLTT Quốc gia Đà Nẵng, 11 tuyển thủ cũng đang chạy đua với giáo trình huấn luyện. Được tập luyện trên sân nhà, cặp chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng quyết tâm sẽ làm rạng danh điền kinh Việt Nam một lần nữa ở các cự ly đi bộ, nơi cả hai đã thống trị SEA Games và đoạt cả vé tham dự Thế vận hội.
Nguyễn Thị Oanh xô đổ kỷ lục quốc gia cự ly 5000m được thiết lập từ năm 2003
Cùng với những ngôi sao đã thành danh, Nguyễn Thị Oanh đang nuôi lớn dần niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam khi cô gái vóc dáng nhỏ bé quê Bắc Giang thi đấu ổn định, liên tục công phá những kỷ lục quốc gia tồn tại hàng chục năm trên đường chạy dài. Đang đạt độ chín trong sự nghiệp, cô và những đồng đội như Phạm Thị Hồng Lệ, Phạm Thị Thu Trang, Phạm Thị Huệ được trông chờ sẽ tạo nên những chiến công lừng lẫy mùa hè sắp tới ngay tại sân Mỹ Đình.
Đội chạy tiếp sức 4x400 m nam nữ giành HCV SEA Games 30
Trong tổng số 75 tuyển thủ được triệu tập để chuẩn bị tham dự SEA Games 31, có rất nhiều gương mặt trẻ nhưng đã kịp khẳng định năng lực trên đấu trường quốc tế như Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa), Trần Nhật Hoàng, Trần Văn Đảng, Ngần Ngọc Nghĩa (cự ly ngắn)… Cùng với họ, sự hiện diện của những chiến binh kỳ cựu như Nguyễn Thị Huyền, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Đỗ Quốc Luật, Nguyễn Văn Lai, Dương Văn Thái như một sự tiếp nối truyền thống, chuyển giao thế hệ không dễ có trong làng điền kinh khu vực. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều cuộc cạnh tranh thú vị, tạo sức bật mạnh mẽ cho điền kinh Việt Nam ở kỳ đại hội lịch sử này.
Bình luận (0)