Đây là tin vui cho riêng Lâm đồng thời cũng là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam hiện nay song chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn lại quá khứ để từ đó mới thấy rõ, V-League tụt lùi khá xa so với Thai League dù đã có lúc V-League vượt qua Thai League.
Mười bảy năm trước, chính xác là sau Tết nguyên đán 2002, cầu thủ số 1 Đông Nam Á Kiatisak đã về đầu quân cho ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch CLB HAGL thi đấu ở Giải Hạng nhất với mức lương 10.000 USD/tháng cùng nhiều ưu đãi khác (nhưng sau đó Kiatisak đã từ chối xe hơi và nhà riêng vì muốn sinh hoạt cùng đồng đội). Kể từ thời điểm đó, nhiều tuyển thủ hàng đầu của Thái Lan đã qua thi đấu cho các CLB Việt Nam tại V-League.
Ngày đó, Thai League ra đời từ năm 1996 dù sinh sớm hơn nhưng lại thua V-League gần như toàn diện về tính cạnh tranh rất cao của giải, về lượng khán giả, về chất lượng chuyên môn từng trận đấu, từ đó tính thương mại của Thai League cũng kém hơn V-League.
Văn Lâm được CLB Thái Lan mời chào với giá cao nhưng V-League đang bị Thai League qua mặt Ảnh: Anh Đức
Nhưng người Thái đã tái cấu trúc lại hệ thống thi đấu từ năm 2009. Cũng từ thời điểm này, hiện tượng cầu thủ Thái qua thi đấu ở V-League giảm dần rồi hết hẳn. Rồi giờ đây số lượng các đội ở từng hạng đấu của họ lần lượt là 18 (Thai League 1), 20 (Thai League 2), 22 (Thai League 3), rồi 24 (Thai League 4). Tức là càng lên cao thì tính sàng lọc của bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan càng lớn, trái ngược với tình trạng không cần sàng lọc nhiều vẫn có thể đá ở đỉnh cao như V-League (V-League có 14 đội, Hạng nhất chỉ có 8 đội và Hạng nhì là 13 đội, cuối cùng là Hạng ba vỏn vẹn có 8 đội).
Nhìn những con số này đã thấy hệ thống thi đấu của bóng đá Thái Lan theo hình tháp đúng chuẩn của thế giới, trái ngược với bóng đá Việt Nam là hình gì cũng... chẳng rõ! Đó là chưa nói đến hiện tượng chưa minh bạch ở V-League như lãnh đạo VFF từng thừa nhận với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngay tại buổi đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam.
Năm 2018, V-League được LĐBĐ châu Á (AFC) trao Giải vàng ở hạng mục dành cho Giải đấu phát triển tốt nhất châu lục nhưng đó là hạng mục dành cho các giải vô địch quốc gia chỉ có hoặc chưa có các CLB tham gia AFC Cup, đồng thời không có CLB nào tham dự vòng bảng AFC Champions League. Trong khi đó Thai League nằm trong tốp 10 ở hạng mục Giải vô địch quốc gia truyền cảm hứng nhất trong năm của AFC 2018, hạng mục dành cho các giải vô địch có các CLB tham gia AFC Champions League.
Nhắc nhớ những chuyện cũ lẫn mới để chúng ta nhìn và biết rõ hơn bóng đá Việt Nam cũng như V-League đang ở đâu để chỉnh sửa cho ngày càng tốt hơn, từ đó các nhà quản lý điều hành đừng có ngủ quên sau một năm 2018 thăng hoa của các đội tuyển quốc gia.
Bình luận (0)