Từ một bài viết về Giải Vô địch quốc gia Nuti Café V-League 2018 trên FoxSportsAsia, chúng tôi đã cất công tìm hiểu để có cái nhìn rõ nét hơn về biểu tượng thương hiệu (logo) sân chơi hàng đầu của bóng đá Việt Nam.
Tại buổi lễ công bố nhà tài trợ chính của giải vào đầu tháng 3 tại TP HCM, nhiều người có phần ngỡ ngàng khi cầm trên tay tài liệu mà Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cung cấp, trong đó có lời giới thiệu về bộ nhận diện thương hiệu bao gồm hình ảnh logo của giải. Đó là một nét vẽ ngoằn ngoèo, thoạt nhìn như một chữ W cách điệu hoặc dải lụa của VĐV môn thể dục nghệ thuật, góc trên cao là quả bóng đá.
Điều đáng nói là dẫu có đọc kỹ lời giới thiệu, dẫn giải về "hình ảnh chim Lạc - biểu tượng của sự trường tồn, bền vững, khao khát vươn đến đỉnh cao, đến gần hơn với người yêu bóng đá", người ta cũng khó hình dung đấy lại là hình ảnh… chú chim Lạc quen thuộc, gần gũi với mọi người dân Việt Nam qua những nét khắc họa trên nền trống đồng Ngọc Lũ thời kỳ mở nước.
Cũng từ bài viết của kênh FoxSportsAsia, đông đảo người hâm mộ không khó để "phát hiện" hình ảnh logo V-League 2018 mang một ý nghĩa khác, có phần hài hước hơn. Theo một chuyên viên thiết kế đồ họa, nếu dùng công cụ eraser (opacity 70%) xử lý những nét phụ, chữ ký của ông trưởng BTC giải giống đến 75% so với logo V-League 2018!
Trong khi đó, khi được đề nghị nhận xét quanh logo giải bóng đá lớn nhất Việt Nam, một chuyên gia tiếp thị hàng đầu trong lĩnh vực bóng đá tại Việt Nam và Đông Nam Á hôm 23-3 cho biết đây là lần đầu tiên bà thấy logo một giải đấu lớn như V-League 2018 không bảo đảm quyền lợi của nhà tài trợ.
Logo V-League 2018, chữ ký bầu Tú và khi chuyên viên thiết kế đồ họa bóc tách những đường nét phụ của chữ ký…
Những mùa V-League, thương hiệu nhận diện của nhà tài trợ luôn gắn liền với logo của V-League Ảnh: Bongdapro
Theo chuyên gia này, logo giải năm nay không mang nhiều ý nghĩa liên quan đến bóng đá (trừ hình ảnh quả bóng nhỏ xíu), lại không thể hiện màu sắc chủ đạo của thương hiệu nhà tài trợ, chưa kể không xuất hiện "vai kề vai" với danh xưng nhà tài trợ như trong suốt 17 mùa giải đã qua. Ngoài ra, cũng cần kể đến phần lớn nội dung trailer (đoạn phim quảng cáo cho một chương trình nghe nhìn) của giải không có bất cứ chi tiết nào liên quan đến đơn vị tài trợ, phải đến phân cảnh sau cùng mới ghép logo Nuti café khá khiên cưỡng bên cạnh logo giải.
Vị chuyên gia này cho biết rằng thuở ban đầu của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị tiếp thị, vận động tài trợ cho V-League nhận luôn phần thiết kế logo giải đấu, có gắn thương hiệu của đơn vị tài trợ và bảo đảm về ý nghĩa chuyên môn của giải, tính mỹ thuật và không vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc các yếu tố chính trị. Bà kể rằng một lần bản thiết kế logo của Cúp Quốc gia cách điệu hình ảnh bản đồ đất nước nhưng do người hâm mộ "phát hiện" thiếu các chi tiết về đảo, quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia nên BTC buộc phải sửa lại dù giải đã diễn ra nhiều vòng.
Những câu chuyện kể trên cho thấy, nỗ lực và tấm lòng của đơn vị tài trợ có vẻ đã không được quan tâm đúng mức bằng quyền lợi đổi lại từ BTC giải V-League 2018. Tương tự, nhiều câu hỏi cũng được dư luận đặt ra xung quanh bản hợp đồng tài trợ ký chỉ vỏn vẹn 1 năm giữa BTC giải và NutiFood mà người đứng đầu BTC chỉ biết lý giải bằng cụm từ "thẩm quyền VPF chỉ đến đó"!
Sẽ trả lời ở lần gặp báo chí tới đây
Trao đổi cùng ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VPF và cũng là Trưởng Ban Điều hành Nuti Café V-League 2018, vào trưa 23-3 về những hoài nghi của dư luận xung quanh chữ ký phần nào giống logo của giải, ông Tú cảm thấy ngạc nhiên. "Có chuyện như vậy nữa sao? Vậy thì tốt nhất tôi sẽ trả lời mọi vấn đề ở lần gặp báo chí tới đây" - ông Tú cho biết.
Bình luận (0)