Clip hài hước về ngoại binh nói tiếng Việt do các cầu thủ của HAGL và Hà Nội FC hướng dẫn
Muốn dạy cầu thủ ngoại nói được tiếng Việt thì đầu tiên phải giao tiếp được bằng tiếng Anh với họ, mà xét về căn cơ, có lẽ lứa HAGL của bầu Đức đứng số 1 về khả năng giao tiếp ngoại ngữ.
Chẳng ai còn xa lạ với cái tên Lương Xuân Trường, nói tiếng Anh như gió, thậm chí do mê nhạc Hàn Quốc và là fan của nhóm Big Bang, G-Dragon... nên cầu thủ sinh năm 1995 còn tranh thủ học thêm mấy câu tiếng Hàn để hát và thỉnh thoảng, làm phiên dịch cho cả HLV Park Hang-seo. Trường "híp" vốn mê tiếng Anh từ nhỏ nên giao tiếp giỏi cũng là bình thường, tuy nhiên, với lứa HAGL có ăn học đầy đủ, cả kiểu học sinh cá biệt, nghịch ngợm nhiều hơn như Công Phượng, Đông Triều hay Văn Toàn, trình độ ngoại ngữ cũng chẳng kém cạnh ai.
Công Phượng giỏi ngoại ngữ nên không ngần ngại dạy tiếng Việt cho những ngoại binh mà anh có dịp tiếp xúc
Khi vừa sang Hàn Quốc chơi cho Incheon United, cư dân mạng xem clip Công Phượng nói tiếng Anh, vừa buồn cười nhưng cũng vừa xúc động và cảm mến tiền đạo hay gặp sóng gió từ nhỏ này. Phượng giao tiếp được, nên sau này sang Bỉ cũng không đến mức khó hòa nhập, dù cạnh tranh suất ra sân thì quá vất vả.
Hay như Văn Toàn, cũng giống Xuân Trường khoản mê K-Pop nên vừa biết tiếng Anh, cũng học thêm được vài từ Hàn Quốc. Thỉnh thoảng Văn Toàn hay mang tiếng Hàn ra trêu HLV Park Hang-seo, khiến ông phải bật cười. Bù lại, khi thầy Park lên Hàm Rồng thăm bầu Đức mà không có Xuân Trường, Công Phượng hay Đông Triều làm phiên dịch thì Văn Toàn vẫn đáp ứng tốt vai trò trợ lí ngôn ngữ, dù có phần e thẹn nhưng vẫn làm mát mặt bầu Đức.
Ít người hâm mộ có dịp chứng kiến Minh Vương, Tuấn Anh nói tiếng Anh, nhưng thực tế hai cầu thủ quê Thái Bình này rất giỏi ngoại ngữ. Minh Vương luôn là người được CLB giao tiếp nhận những ngoại binh khắp thế giới đến thử việc tại HAGL. Vương đóng vai trò làm người hướng dẫn cho các ngoại binh hòa nhập vào lối sống của đội bóng phố núi.
Minh Vương, Công Phượng cũng thường xuyên được lãnh đạo HAGL phân công làm người hướng dẫn cho các cầu thủ ngoại hòa nhập lúc mới sang Việt Nam
Trong khi đó, Tuấn Anh là đội trưởng, giỏi tiếng Anh nên anh hướng dẫn cho các ngoại binh nhiệm vụ trên sân theo chỉ đạo của các thầy. Tuấn Anh thuộc mẫu giỏi ngầm, biết giao tiếp sơ đẳng bằng tiếng Nhật nhờ thời gian 1 năm chơi bóng cho Yokohama FC.
Trước lứa HAGL, có Công Vinh được xem là tiêu biểu của mẫu cầu thủ giỏi chuyên môn lẫn cả ngoại ngữ. Cựu tiền đạo xứ Nghệ từ lâu đã là thương hiệu tiêu biểu cho nghị lực vươn lên, từ một cầu thủ chỉ nổi tiếng về khoản chăm chỉ, trở thành cái tên nổi đình nổi đám về tài năng, danh hiệu, sự giàu có, vợ là ca sĩ nổi tiếng trong showbiz và đặc biệt là giỏi giao tiếp, kể cả bằng tiếng Anh. Trước khi khán giả phát cuồng vì Xuân Trường, Công Phượng thì nhiều lần báo chí, truyền hình quốc tế phỏng vấn bằng tiếng An, Công Vinh đều giao tiếp cực kì lưu loát mà không cần phải nhờ phiên dịch.
Các cầu thủ HAGL được xem là tiêu biểu cho việc sử dụng ngoại ngữ giao tiếp và hướng dẫn cho cầu thủ ngoại hiểu tiếng Việt và hòa nhập với môi trường bóng đá Việt
Còn sau HAGL, đến nhiều tuyển thủ khác như Đặng Văn Lâm, Martin Lò hay lứa tài năng trẻ trưởng thành từ Hà Nội FC, đặc biệt là cầu thủ từ lò PVF cũng là một ví dụ về giỏi ngoại ngữ. Từ đó, chuyện cầu thủ Việt đi dạy tiếng Việt cho ngoại binh xuất hiện một nhiều hơn, và đương nhiên có những đoạn clip xem chỉ biết cười ra nước mắt.
Chẳng hạn như mới đây, tiền đạo nổi danh V-League Hoàng Vũ Samson đã trả lời truyền hình trôi chảy bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Chỉ những câu thực sự khó, Samson mới sử dụng ngoại ngữ, còn với giao tiếp thông thường, tiền đạo đang khoác áo Thanh Hóa dễ dàng nói bằng tiếng Việt, nhờ được học từ lứa Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng. Một ngoại binh khác cũng rất giỏi giao tiếp tiếng Việt chính là Rimario (hiện đá cho Hà Nội FC), người được chính lứa HAGL hướng dẫn.
Hoàng Vũ Samson nói tiếng Việt lưu loát khi trả lời truyền hình nhờ học từ Đức Huy, Duy Mạnh, Đình Trọng...
Không chỉ HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo đang quyết tâm học tiếng Việt để có thể tự giao tiếp thuận lợi với các học trò, mà việc nhiều cầu thủ Việt Nam hiện nay học tốt được một ngoại ngữ sẽ giúp họ cảm thấy giao tiếp tự tin hơn với các cầu thủ nước ngoài.
Bản thân các cầu thủ nước ngoài muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam, việc được những người đồng đội dạy cho tiếng Việt sẽ là cơ sở rất tốt để họ nhanh chóng tìm được sự hòa nhập với môi trường bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)